Sản xuất, xuất khẩu quý I/2014: Lạc quan và kỳ vọng
(Tài chính) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2014 đã cao hơn 0,6% so với năm trước, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu quý I đã đạt xấp xỉ 23% kế hoạch năm với mức tăng tới 14,1%. Bộ Công Thương nhận định: sản xuất, xuất khẩu trong những tháng tới sẽ khả quan hơn.
Theo số liệu của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) quý I/2014, IIP tăng 5,2%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Sản xuất của một số lĩnh vực then chốt đã có dấu hiệu phục hồi. Những sản phẩm công nghiệp chế biến có chỉ số sản xuất tăng cao trên 10% chủ yếu vẫn là những ngành hàng linh kiện điện tử, thủy sản, dệt may, sản xuất da, giày dép, mô tô, máy biến thế, dây cáp điện, đóng tàu và cấu kiện nổi...
Hoạt động sản xuất 3 tháng đầu năm của một số ngành như dệt may, da giày tương đối thuận lợi, thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đang hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước. Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý III, thậm chí cho cả năm đối với các DN ngành dệt may và đến tháng 8 đối với các DN da giày.
Trong quý I/2014, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 701,402 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 5,13%, cao hơn mức tăng 4,5% của cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2013 (tương đương với tăng 4,12 tỷ USD), trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tính chung cả quý I xuất siêu hơn 1 tỷ USD.
Nhiều thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu
Bộ Công Thương nhận định, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn, các DN trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất; Bắt đầu bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như: sản xuất điện, sản xuất hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ tăng dẫn đến sản xuất sẽ tăng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước bắt đầu phát huy tác dụng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thị trường vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, đá, cát sỏi... Đặc biệt, nhóm hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử có đơn hàng ổn định trong quý II, III, thậm chí là hết năm sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tuy nhiên, không quá chủ quan trước những yếu tố thuận lợi, Bộ Công Thương cho rằng các cấp các ngành và doanh nghiệp cần hết sức nỗ lực mới có thể hoàn thành kế hoạch. Đơn cử, mục tiêu năm 2014 là đạt kim ngạch xuất khẩu 145,4 tỷ USD, trong quý I đã đạt hơn 33,3 tỷ USD, bằng 22,9% kế hoạch (bình quân 1 tháng đạt 11,12 tỷ USD). Vì vậy, 9 tháng tiếp theo phải đạt trên 112 tỷ USD, bình quân 1 tháng phải đạt hơn 12,4 tỷ USD.
Những giải pháp để giữ ổn định tăng trưởng được Bộ Công Thương đưa ra là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích tiêu dùng, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho; thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu. Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phầm thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường.