Sàng lọc dự án FDI bằng “đặt cọc”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Nhiều địa phương đang áp dụng việc kí quỹ đầu tư đối với các doanh nghiệp (DN) có dự án FDI lớn để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Sàng lọc dự án FDI bằng “đặt cọc”
Dự án thép Guang Lian ở Quảng Ngãi đã chậm tiến độ nhiều năm. Nguồn: internet
Nhiều địa phương áp dụng

Hồi tháng 8, tỉnh Khánh Hòa đã phải "mạnh tay" ban hành quy định các DN được cấp phép đầu tư vào Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh phải kí quỹ 100 tỉ đồng/dự án. Cụ thể trong vòng 35 ngày kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thành việc nộp tiền kí quỹ. Tiền kí quỹ sẽ được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án sau khi có thẩm định của các ngành liên quan.

Trường hợp dự án chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư, tỉnh sẽ xem xét thu hồi dự án cùng tiền kí quỹ còn dư. Lí do được đưa ra là có khoảng 30 dự án, tổng vốn đăng kí khoảng 19.000 tỉ đồng vào khu du lịch này, nhưng hầu hết các dự án đều chậm tiến độ. Trước đó, Khánh Hòa cũng đã buộc các nhà đầu tư phải thực hiện kí quỹ với tiền kí quỹ của các dự án khoảng 3-5% tổng mức đầu tư và được khấu trừ vào tiền thuê đất. Và quy định mức kí quỹ lần này cũng nhằm tăng trách nhiệm nhà đầu tư vào việc thực hiện dự án.

Mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành quy định kí quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Việc kí quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án thể hiện sự cam kết đầu tư của nhà đầu tư với tỉnh Lào Cai. Nhà đầu tư được hoàn trả lại số tiền kí quỹ khi thực hiện dự án đúng tiến độ đã cam kết. Mức tiền kí quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án bằng 5% tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự án phân chia làm nhiều giai đoạn đầu tư thì thực hiện kí quỹ theo mức vốn từng giai đoạn thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khánh Hòa hay Lào Cai không phải là địa phương cá biệt khi thực hiện biện pháp này. Trước đó, bắt đầu từ năm 2011, một loạt các địa phương như Bắc Ninh, Phú Yên, Bình Định... đã ban hành các quy định kí quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm loại bỏ những dự án "rởm", trong đó có các dự án FDI.

Trước thực trạng các dự án FDI "rùa", DN FDI vắng chủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng kiến nghị bổ sung quy định nhà đầu tư phải đặt cọc, kí quỹ đối với các dự án thuê đất từ Nhà nước, dự án được Nhà nước giải phóng mặt bằng hay dự án sử dụng nhiều đất, tác động lớn tới đời sống xã hội. Bộ này cũng đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không hoạt động trong 6 tháng mà không báo cáo.

Hạn chế nhà đầu tư “rởm”

Tại Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ “Về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới” ban hành ngày 29/8/2013, Chính phủ đã đưa ra giải pháp điều chỉnh một số nguyên tắc quản lí và phân cấp đầu tư, đặc biệt với các dự án lớn. Nghị quyết nêu rõ giải pháp “Đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về mặt kinh tế, xã hội, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ”.

Trao đổi với phóng viên, GS.,TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Khi tôi đề xuất việc yêu cầu nhà đầu tư phải "đặt cọc", lúc đầu các địa phương bảo luật không quy định nên không làm được. Tôi bảo luật chưa cho phép nhưng luật cũng không cấm. Các địa phương có thể làm những gì luật pháp không cấm. Việc kí quỹ đầu tư chắc chắn sẽ hạn chế nhà đầu tư “rởm”.

Các địa phương có thể yêu cầu chủ đầu tư mở một tài khoản, đưa vào đó một số tiền trên tỉ lệ vốn đăng kí nhất định theo yêu cầu của Việt Nam. Sau đó, nếu dự án giải ngân đến mức độ nhất định thì chủ đầu tư được bàn giao lại tài khoản. GS. Nguyễn Mại cho rằng: Đây là biện pháp quốc tế vẫn làm khi chưa tín nhiệm một DN nào đó. DN chân chính sẽ sẵn sàng đóng kí quỹ 1-2 triệu USD không vấn đề gì. Còn nhà đầu tư “rởm”, DN không có ý định đầu tư đàng hoàng thì sẽ phải cân nhắc, rút lui. DN nào năng lực không đủ, không có tiền đặt cọc thì phải trả lại dự án.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay quy định về kí quỹ đầu tư vẫn chưa có một văn bản pháp luật thống nhất nào từ Trung ương. Điều này khiến cho mỗi địa phương ban hành một quy định riêng, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện và gây lúng túng cho nhà đầu tư. Nên chăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì soạn thảo các quy định cụ thể, chi tiết, để các địa phương dễ dàng áp dụng các biện pháp kí quỹ đầu tư cho hiệu quả.