Sắp mở cửa, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn lạ lẫm
(Tài chính) Sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên, quy trình thực hiện hồ sơ để trở thành thành viên giao dịch, các khoá đào tạo cho thành viên thị trường sắp tới… là những nội dung được các đại diện CTCK, ngân hàng quan tâm và đặt ra tại diễn đàn về thị trường chứng khoán phái sinh do Sở gia dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán tổ chức hôm 18/11/2014.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và dựa trên trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ là sản phẩm giao dịch ban đầu của TTCK phái sinh Việt Nam. Nguyên nhân lựa chọn hai sản phẩm trên, theo ông Sơn, trong giai đoạn sơ khai của TTCK phái sinh, cần đi từ những bước đơn giản tới phức tạp. Trong khi đó, tính biến động của các chỉ số như VN30, HNX30, Largecap, Midcap… khá đơn giản. Thứ hai, TPCP vốn là sản phẩm tương đối ít rủi ro.
Theo lộ trình, TTCK phái sinh đi vào hoạt động trong năm 2015 và chậm nhất vào đầu năm 2016. Sau khi các sản phẩm đơn giản được vận hành ổn định, khoảng 1 đến 2 năm sau sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số và cổ phiếu. Bên cạnh đó, để có thị trường phái sinh, bắt buộc phải có hoạt động thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) tại VSD -CCP.
Ông Bùi Nguyên Hoàn, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện UBCK tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TTCK phái sinh là thị trường bảo hộ giá. TPCP cũng là công cụ cần bảo hộ giá nhưng lựa chọn TPCP là sản phẩm phái sinh thì chưa phù hợp lắm với thị trường Việt Nam hiện nay. Lý do là, điều kiện để đưa hàng hoá vào niêm yết trên TTCK phái sinh là tính phổ biến, biến động giá và có giá trị khá lớn, nhưng ở Việt Nam, TPCP có mức biến động giá rất ít và đa phần là do các tổ chức mua/bán chứ NĐT cá nhân tham gia không nhiều. Ông Hoàn cũng kiến nghị, có thể không đưa một số cổ phiếu trong nhóm chỉ số VN30 làm hàng hoá niêm yết trên TTCK phái sinh.
Theo dự thảo nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, CTCK thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. CTCK thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và có đăng ký hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh phải là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh.
Ông Hoàn cho rằng, bản chất của vốn bảo chứng (ký quỹ) là không phải là khoản vay như trên TTCK, đây là giao dịch mua bán nhưng chưa thực hiện ngay mà phải 3 - 12 tháng sau mới thực hiện, ký quỹ chỉ là để “làm tin”. Do đó, số tiền ký quỹ nhỏ, chỉ khoảng 3 - 10%. Chính vì vậy, quy định CTCK thực hiện tự doanh hay môi giới cần có vốn từ 500 - 700 tỷ đồng là không cần thiết. Ngoài ra, việc thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) thông qua VSD là chưa hợp lý mà nên để cho những tổ chức khác như NHTM, CTCK, Quỹ đầu tư có đủ tiềm lực thực hiện nhiệm vụ này.
Theo quy định, trong hồ sơ xin làm thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, ngân hàng phải có quy trình quản lý rủi ro, quy trình thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, theo một đại diện ngân hàng Sacombank, khi chưa có ý kiến chấp thuận của NHNN thì chắc chắn ngân hàng sẽ chưa ban hành những quy định nội bộ liên quan đến nghiệp vụ đó. Do đó, khi nộp hồ sơ, bản thân ngân hàng sẽ chỉ viết theo hướng suy nghĩ của mình về dịch vụ.
Đại diện Sacombank cũng chia sẻ thêm rằng, việc NHTM muốn làm thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh phải xin NHNN chấp thuận cho thực hiện nghiệp vụ này, sau đó mới làm thủ tục nộp UBCK hay các Sở GDCK sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có sự tương tác giữa UBCK và NHNN trong việc giải quyết, hướng dẫn hồ sơ.
Theo quan sát của ĐTCK tại diễn đàn, đa số thành viên tham dự đều chưa hiểu nhiều về sản phẩm phái sinh và hầu như tại các CTCK, số nhân viên “rành rọt” về sản phẩm này là rất khiêm tốn.
Ông Sơn cho biết, sắp tới, UBCK, các Sở GDCK sẽ tiến hành mở các buổi đào tạo cho các thành viên thị trường. Hiện khá nhiều CTCK đã liên hệ với UBCK để đăng ký tham gia các khoá huấn luyện này.