Sáp nhập công ty tài chính: Ngân hàng thêm “của hiếm”?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Mới chỉ có một ngân hàng chính thức lên kế hoạch nhận sáp nhập một công ty tài chính trong năm nay là ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Song xu thế cho thấy đây không chỉ là một khẩu vị lạ của các ngân hàng.

Sáp nhập công ty tài chính: Ngân hàng thêm “của hiếm”?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo danh sách các công ty tài chính mà Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến 30/6/2013, thị trường có 18 công ty tài chính, trong đó còn bao gồm PVFC và Viet –Societe Generale. Nếu loại trừ PVFC đã thay đổi mô hình và hoàn toàn lên đời ngân hàng thì tức ở thời điểm hiện tại, thị trường còn 17 công ty tài chính.

Mỗi tập đoàn một... công ty tài chính

Trong số này, đối tượng sáp nhập đã thực hiện hoàn tất là 1, vậy sẽ chỉ còn 16 công ty sẽ có thể là đối tượng sáp nhập tiếp theo (trừ trường hợp HDBank có ý định sang tay công ty vừa mua – mà theo chiến lược HDBank đã vạch ra thì khó có khả năng HDBank sẽ bán lại công ty ít nhất trong một thời gian tới). 

Điều đáng nói là điểm danh 17 công ty tài chính hiện có, thì lại có đến 12 công ty có liên quan đến các Tập đoàn lớn, với đầy đủ họ tên các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước quen thuộc.

Bốn công ty tài chính không có yếu tố “đại gia Nhà nước” kể trên, trừ Viet –Societe Generale đã đổi thành công ty tài chính HDFinace với 100% vốn Việt, đều là những công ty có yếu tố ngoại: Prudential (Anh), PPF (Hà Lan), Toyota Việt Nam (Nhật), tài chính Quốc tế Việt Nam JACCS (Nhật), Miare Asset (Hàn Quốc).

Từ việc điểm danh “gốc gác” các công ty tài chính nói trên, cũng không khó để nhận thấy một điều: Sân chơi công ty tài chính tại thị trường Việt Nam trước nay dường như chỉ dành cho các đại gia lớn, nếu không phải là doanh nghiệp nhà nước thì cũng là các tổ chức kinh doanh tài chính nước ngoài.

12 công ty có liên quan đến các Tập đoàn lớn, với đầy đủ họ tên các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước quen thuộc

Sáp nhập công ty tài chính: Ngân hàng thêm “của hiếm”? - Ảnh 1

Vậy vì lẽ gì mà thị trường ít ỏi các công ty tài chính và với những gương mặt “cỡ bự” như vậy, lại đang bị cuốn vào vòng xáo trộn?

Câu trả lời nằm ở hai khía cạnh: Thứ nhất, hiệu quả hoạt động của các công ty tài chính. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội cuối tháng 11/2013 về việc Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có 2 tổ chức ngân hàng và 8 tổ chức phi ngân hàng. Khả năng cao là 6 tổ chức phi ngân hàng chính là các công ty tài chính (do Quỹ Tín dụng nhân dân trung ương đã được tái cấu trúc từ trước đó).

Thứ hai, quan trọng và bản chất hơn: Những công ty tài chính có vốn chủ sở hữu thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn đã đến giai đoạn gấp rút phải thực thi thoái vốn, theo lộ trình thoái vốn đầu tư đa ngành, đặc biệt rút hoàn toàn khỏi đầu tư tài chính từ nay đến 2015.

Một chuyên gia cho rằng khi các chủ sở hữu Nhà nước bắt buộc thoái vốn và các chủ thể công ty tài chính bắt buộc phải tái cấu trúc lại, cơ hội M&A, nhận sáp nhập các công ty tài chính của các ngân hàng, cũng trở nên lớn hơn. “Tất nhiên không còn ở giai đoạn “tiền tự nguyện” như trường hợp HDBank và Viet - Societe Generale trước đây, mà cơ hội này đã bước sang một chiều kích mới. Nó đòi hỏi sự vào cuộc, nhúng tay của Ngân hàng Nhà nước, kéo theo sẽ là các ngân hàng có gốc quốc doanh hoặc các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cam kết hậu thuẫn trong một giai đoạn tái cấu trúc vì hệ thống (như trường hợp SHB)… Những tổ chức này sẽ nhảy vào cuộc, thế chân những tổ chức/đại gia Nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các công ty tài chính trong nay mai. Sáp nhập công ty tài chính vào ngân hàng theo cách đó, chỉ là kết quả của việc giải quyết hệ lụy đầu tư đa ngành của các đại gia Nhà nước”, vị chuyên gia nhận xét.

SHB sẽ sáp nhập công ty tài chính nào?

Thị trường quan tâm lúc này là những ngân hàng nào sẽ có sự quan tâm những công ty tài chính nào? Thử lấy ví dụ trường hợp SHB, một trường hợp có xu hướng nhận sáp nhập công ty tài chính đã rõ ràng trong năm nay.

Gia nhập M&A ngay những ngày đầu tiên làn sóng của giai đoạn 2011 - 2015 vừa dậy sóng, việc nhận HBB vào SHB đã mang đến cho SHB một khoản nợ xấu lớn nhưng kèm theo đó là không ít lợi thế cho việc mở mang ngân hàng trong tương lai. Mục tiêu nhận sáp nhập công ty tài chính mà HĐQT SHB đang trình cổ đông ắt hẳn nằm trong số kế hoạch mở mang đó. Tuy chưa biết SHB nhắm tới công ty tài chính nào nhưng hiện tại, SHB đang có mối liên quan mật thiết trong cấu trúc sở hữu với các Tập đoàn lớn. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản đang sở hữu 4,1% cổ phần SHB. Tập đoàn này cũng 8,22% cổ phần của Chứng khoán SHS - công ty con của SHB. Cùng tỷ lệ nắm 4,2% cổ phần SHB là Tập đoàn Công nghiệp Cao su, đồng thời nắm 4,11% cổ phần Chứng khoán SHS. Song song, một đơn vị liên quan Tập đoàn Công nghiệp Cao su là CTCP Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đầu tư 1,06% cổ phần SHS. Như vậy, với mối liên quan mật thiết cùng Tập đoàn Than – Khoáng sản và Tập đoàn Cao su, không loại trừ khả năng công ty tài chính mà SHB nhắm đến chính là công ty của một trong hai tập đoàn này?!

Những hạn chế của mô hình công ty tài chính trực thuộc khu vực Nhà nước đang khiến các công ty này đứng trước nguy cơ buộc phải thay đổi để tồn tại.
Một thông tin khác củng cố khả năng hai công ty tài chính này đang ở trong tầm ngắm của SHB, là tình trạng thua lỗ của của công ty tài chính Cao su và mối liên quan đến SHB trong lịch sử đầu tư cùng Vinacomin. Với công ty tài chính Cao su, còn nhớ năm 2012, nguyên Giám đốc công ty tài chính Cao su đã bị bắt giam, khởi tố về tội “Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, công ty này năm 2011 đã thua lỗ từ tín dụng khoảng 70 tỷ đồng, riêng cổ phiếu lỗ 6 tỷ. Số lỗ ước tính của năm 2012 gấp khoảng 3 lần năm 2011. Còn nếu cộng thêm 150 tỷ đồng đầu tư tài chính và đã bù đắp dự phòng thì riêng mức lỗ năm 2011 tổng cộng cũng khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy, việc có tên công ty này trong danh sách 6 tổ chức phi ngân hàng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước không công bố tên cụ thể được hiểu là gần như đương nhiên. Trong khi đó, với mối liên quan lịch sử đầu tư giữa SHB và Vinacomin (Tập đoàn Than – Khoáng sản), thậm chí SHB đã từng đầu tư góp vốn lập một Tổng công ty bảo hiểm SHB-Vinacomin, thì khả năng mối liên đới này được thúc đẩy để đưa công ty tài chính thuộc Vinacomin về một nhà với SHB cũng rất dễ xảy ra.

Một vấn đề khá thú vị là nếu đặt các công ty tài chính (trừ các công ty vốn ngoại) đứng cạnh nhau, thì quy mô vốn của các công ty dao động từ 500 - 1.500 tỷ đồng, nếu không tính PVFC trước đây với vốn điều lệ gấp hơn chục lần các công ty khác hay vốn của công ty tài chính Điện lực lên tới 2.000 tỷ đồng. Sự khác biệt của công ty tài chính vì vậy, hẳn không nằm ở vấn đề quy mô vốn mà nằm ở chỗ các công ty đó đã từng làm ăn ra sao, nợ xấu chiếm bao nhiêu phần trăm, có rơi vào nguy cơ nợ mất vốn… hay không? Mà các công ty tài chính nói chung gần như đều là công ty con của các Tập đoàn hoặc công ty nước ngoài không niêm yết và cũng không thuộc dạng cổ phần đại chúng để phải cung cấp các số liệu nợ xấu, tín dụng, huy động... một cách tường minh. Như vậy, sẽ chỉ có các đối tác thực sự trông đợi vào giá trị của các công ty tài chính mà họ mong muốn nhận được, mới có cơ hội tiếp cận những thực thể công ty tài chính, để đo lường đó là “xác rỗng” hay là một mối đầu tư “ngon”.

Phần lớn các ngân hàng hiện nay, sau những thất bại của việc đầu tư và khó khăn trong lĩnh vực bán buôn, đang gấp rút đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Theo đó các công ty tài chính được xem là công cụ/vũ khí đắc lực để hỗ trợ cho mục tiêu này về mặt lí thuyết. Nhưng như vậy, liệu đã đủ để khẳng định công ty tài chính là những món hàng đang “hot” mà các ngân hàng đang chạy đua mở rộng bán lẻ nỗ lực nhắm đến? Hay thực ra là các ngân hàng cũng đang nhắm đến những mục tiêu khó xác lập cụ thể khác, nếu nhận sáp nhập những “hàng độc” – “của hiếm” này…?