Sắp "về đích" với quy định xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng
Theo ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tính đến ngày 02/4, toàn quốc đã có 15.931 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện việc xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng, chỉ còn lại số lượng nhỏ là 4 cửa hàng, dự kiến sang tuần tới sẽ thực hiện hoàn tất đạt 100%.
Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 03/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, 4 cửa hàng hiện nay chưa thực hiện việc xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng là những cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa, mặc dù đã có kế hoạch triển khai nhưng còn gặp nhiều khó khăn. “Sang tuần tới, các cửa hàng này sẽ tiến hành lắp đặt khi các thiết bị cần thiết về”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.
Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống, phối hợp các sở công thương và các sở, ban ngành địa phương tiếp tục giám sát hoạt động các cây xăng thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Về bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai hiệu quả, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, trước hết, việc triển khai hoá đơn điện tử nói chung và xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán hàng đã có hành lang pháp lý quy định đầy đủ, chặt chẽ, đó là Luật số 38/2019/QH14 về quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định hoá đơn, chứng từ, cùng các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
“Nền tảng pháp lý đã đảm bảo thực hiện, đến nay, toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cơ bản thực hiện 100% việc xuất hoá đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đã có nền tảng công nghệ lưu giữ 7,5 tỷ các giao dịch của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế từ thời điểm 2021”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, xăng dầu là mặt hàng tương đối nhạy cảm thuộc diện quản lý đặc biệt của Nhà nước. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo toàn hệ thống, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Thuế cũng tham mưu Bộ Tài chính để ban hành các văn bản chỉ đạo 63 cục thuế, 415 chi cục thuế phối hợp các sở công thương địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động cây xăng.
“Chúng ta cũng có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt thời gian qua triển khai đồng bộ Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì cũng thúc đẩy chuyển đổi số”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Làm rõ thêm những bài học rút ra trong quá trình triển khai, Phó Tổng cục trưởng đánh giá cao các công ty công nghệ đã có các giải pháp kịp thời hỗ trợ cho các công ty xăng dầu. Đặc biệt, lãnh đạo của các công ty xăng dầu cũng hiểu được ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số, do đó đã chủ động đầu tư công nghệ hiện đại, cải tiến các hoạt động cây xăng, đáp ứng yêu cầu.
Nhấn mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai hoá đơn điện tử xăng dầu, trong đó có các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Việc xuất hoá đơn từng lần bán hàng trước hết là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tiếp đó là thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp và tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu đối với mặt hàng xăng dầu, tăng cường quản trị về lĩnh vực xăng dầu nói chung, cũng như chống các gian lận thương mại.
Được biết, sáng nay tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai xuất hoá đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên các bài học kinh nghiệm và cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm cao và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc. Thủ tướng lấy ví dụ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử hiện đã đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm như báo cáo của các bộ, ngành.