Sau thời ế ẩm, cho vay bất ngờ hồi sinh

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Số liệu vừa được cơ quan ngân hàng trung ương công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 bất ngờ đạt được con số dương xấp xỉ 1% so với cuối năm 2013, cao hơn nhiều mức tăng 0,62% tính đến ngày 22.4 được công bố trước đó ít ngày.

 Sau thời ế ẩm, cho vay bất ngờ hồi sinh
Tín dụng cho vay đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Nguồn: internet

Qua thời ế ẩm

Cần nhắc lại rằng, do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ cùng tâm lý nghe ngóng và kỳ vọng lãi vay có thể giảm thêm của số đông khách hàng, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng trong suốt 3 tháng đầu năm không hề khả quan khi chỉ tăng vẻn vẹn 0,01%. Chính vì vậy, mức tăng tới 0,62% đến ngày 22.4 hay tăng đến xấp xỉ 1% vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua dấy lên hy vọng rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12-14% là có cơ sở.

Càng bất ngờ hơn khi tại một số ngân hàng thương mại, cả cổ phần lẫn nhà nước, tăng trưởng tín dụng chỉ riêng trong quý đầu tiên của năm gấp dần nhiều lần mức tăng chung của hệ thống, hay thậm chí còn chạm ngưỡng mục tiêu tăng trưởng cả năm. Khá đông các ngân hàng nhỏ có trọng tâm bán lẻ đều duy trì được mức tăng trưởng tín dụng tốt, trái ngược với không khí ảm đạm của rất nhiều các “ông lớn” còn lại. Một minh chứng điển hình, tính đến ngày 31.3, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) có mức tăng trưởng tới 7,1% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng này gây nhiều ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn và mới chỉ tăng 0,01% tính đến cùng thời điểm.

Song VIB chưa hẳn là trường hợp duy nhất, Tổng Giám đốc TPBank – ông Nguyễn Hưng - khẳng định, ngoài việc hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu kế họach đề ra và lợi nhuận luỹ kế trên 20% kế hoạch cả năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng này ngay trong quý đầu tiên cũng tăng được 12% so với quý trước. Một ngân hàng có quy lớn khác như Sacombank cũng đạt được tốc độ tăng trưởng lớn cả về huy động lẫn cho vay. Cụ thể, trong khi huy động khách hàng tăng 7%, cho vay khách hàng của Sacombank cũng có được mức tăng tới 4% so với cuối năm 2013. Tương tự tại Techcombank, tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng và cho vay cũng lần lượt đạt được mức tăng 3,36% và 2,25%.

Dù chỉ đạt mức tăng khiêm tốn, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lớn vẫn cao hơn nhiều mức tăng chung của toàn hệ thống. Mới đây theo ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV - huy động vốn và cho vay của ngân hàng trong quý đầu tiên của năm 2014 lần lượt đều đạt được con số 3,2% và 2,7%. Đây vẫn là mức tăng trưởng tốt hơn nhiều mức tăng chung của toàn ngành.

Dấu hiệu khả thi

Nhìn vào diễn biến trên đây, một chuyên gia tài chính cho rằng, hoạt động cho vay đang dần dần vượt qua ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và tâm lý chờ đợi của khách hàng với mức cải thiện rõ rệt so với các tháng trước, tuy mức độ còn hạn chế. Do đó, tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới được dự báo có khả năng tiếp tục tăng mạnh khi lãi suất được định hướng tiếp tục giảm. Một tổ chức đầu tư còn mạnh dạn đưa ra nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cả năm theo đó vẫn khả thi khi mà theo quy luật các năm trước tín dụng thường tăng rất mạnh vào quý cuối năm.

Song sự chênh lệch lớn giữa huy động và cho vay là diễn biến dễ dàng nhận thấy trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Cụ thể trong lúc hoạt động cho vay của toàn hệ thống chỉ đạt được mức tăng nhỉnh hơn 0,6%, huy động vốn của toàn ngành lại tăng tới 3,09% so với đầu năm với mức tăng của huy động vốn bằng VND lên tới 4,26%. Sự chênh lệch này giải thích vì sao, liên tiếp trong thời gian qua, các ngân hàng không hề tham gia đấu thầu trên thị trường mở mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục chào thầu trong lúc vẫn liên tiếp mua vào tín phiếu. “Tín dụng tăng thấp, thấp hơn nhiều so với mức 2,11% ở cùng kỳ năm ngoái và thanh khoản hệ thống luôn trong trạng thái khá dồi dào là nguyên nhân khiến các ngân hàng không có nhu cầu vay vốn trên thị trường mở và tích cực mua vào tín phiếu” – một chuyên gia đưa ra ý kiến.

Ở một khía cạnh khác, tình hình cho vay hạn chế trái ngược với thực tế tiền đồng vẫn ồ ạt được gửi vào ngân hàng cũng phần nào cho thấy, dường như bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó với nguồn vốn huy động được trong suốt các tháng qua. Vay và được vay không còn là nhu cầu và áp lực của riêng khách hàng.