Sẽ mở rộng đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên
(Tài chính) Những điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan có thể sẽ được giảm bớt nhằm mở rộng đối tượng doanh nghiệp.
Cơ quan Hải quan có thể tin tưởng vào sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của DN; quản lý sự tuân thủ pháp luật của DN được đơn giản hóa (số lần vi phạm hành chính đã cải thiện giảm rõ rệt…) và quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động XNK hàng hóa.
Đối với DN đã giảm chi phí do giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa XNK, việc làm thủ tục cho DN ưu tiên được áp dụng theo cơ chế 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần; cải thiện việc quản lý nội bộ và tạo thêm cơ hội phát triển kinh doanh cho DN. Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, từ khi được công nhận là DN ưu tiên, công ty đã tiết kiệm đã được 213 USD/tháng, tương đương 2.556 USD/năm.
Lợi ích thu được từ khi được công nhận là DN ưu tiên rất lớn, thiết thực và có ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển kinh doanh, cụ thể: Giảm thời gian thông quan hàng hóa là 0,5 giờ đối với các lô hàng luồng Vàng và 2,5 giờ đối với các lô hàng luồng Đỏ. Ngoài ra, các đối tác nước ngoài của các DN này cũng được hưởng lợi từ chương trình DN ưu tiên.
Những lợi ích đối với DN sẽ được gia tăng khi tới đây quy định về chế độ DN ưu tiên sẽ còn được thay đổi đáng kể. Phó trưởng Phòng Kiểm tra và thực hiện chính sách (Cục Kiểm tra sau thông quan) Nguyễn Phương Thủy cho biết, dự thảo Thông tư về chế độ ưu tiên đối với DN theo Luật Hải quan năm 2014 sẽ bổ sung thêm đối tượng, phạm vi áp dụng chế độ ưu tiên cho các DN là đại lý thủ tục hải quan. Đồng thời, các điều kiện về kim ngạch cũng sẽ được giảm bớt để mở rộng đối tượng DN tham gia chế độ ưu tiên.
Cụ thể, dự thảo Thông tư về chế độ ưu tiên dự kiến sẽ giảm điều kiện về kim ngạch XNK đối với DN loại 1. Tại Thông tư 86/2013/TT-BTC quy định điều kiện kim ngạch XNK phải đạt 200 triệu USD/năm. Điều kiện về độ tin cậy được thay thế bằng điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Tức là, DN có hệ thống kiểm soát nội bộ đáp ứng độ tin cậy của cơ quan Hải quan (theo bộ tiêu chí đánh giá của Tổng cục Hải quan). Đối với DN đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư, nhưng cơ quan Hải quan chưa có đủ cơ sở để xác định độ tin cậy về hệ thống kiểm soát nội bộ của DN thì chưa công nhận DN ưu tiên.
Về chế độ DN ưu tiên cũng có nhiều thay đổi so với Thông tư 86 hiện hành. Thông tư 86 quy định giai đoạn thông quan DN không phải đăng ký với cơ quan Hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, không phải nộp báo cáo thanh khoản với cơ quan Hải quan với điều kiện DN có phần mềm quản lý hàng XK, NK đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm tra của cơ quan Hải quan; được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan; miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trường hợp hệ thống dữ liệu của cơ quan Hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động được sử dụng bộ chứng từ bao gồm hóa đơn thương mại, giấy đóng gói hàng hóa, lệnh giao hàng và bản tự kê khai thuế đóng dấu, ký tên của đại diện DN để thông quan hàng hóa…
Hiện nay, ban soạn thảo dự kiến bổ sung chế độ ưu tiên thủ tục hải quan cho DN. DN được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan theo quy định.
DN ưu tiên được cơ quan Hải quan các cấp ưu tiên xử lý vướng mắc trong giai đoạn thông quan trong thời gian không quá 8 giờ làm việc kể từ khi cơ quan Hải quan tiếp nhận hồ sơ hải quan. Được cơ quan Hải quan xử lý các vướng mắc trong thời gian không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Hải quan tiếp nhận văn bản hoặc hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của DN.
Không áp dụng điều kiện kim ngạch (DN loại 3): DN có hoạt động sản xuất, gia công tại nhiều địa bàn, có quy mô đầu tư lớn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi cấp phép đầu tư, đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, chưa chính thức đi vào hoạt động sản xuất hoặc đã hoạt động nhưng chưa đủ 2 năm. DN thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí:
Thứ nhất, dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có doanh thu. Thứ hai, dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động.