Siết chặt kiểm tra nồng độ cồn

Theo Lam Song/diendandoanhnghiep.vn

Bộ Công an chỉ đạo Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc tăng cường việc kiểm soát, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy từ 1/3, kéo dài đến hết năm 2022.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực cửa ngõ Thủ đô.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực cửa ngõ Thủ đô.

Cục Cảnh sát giao thông (C08) cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 29/1 đến 6/2), toàn quốc xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông, làm chết 121 người, bị thương 138 người.

Tuyến đường bộ là nơi xảy ra nhiều vụ và số người chết nhất (với 214 vụ và 120 người chết).

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, PC08 các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 25.700 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 25 tỷ đồng; tạm giữ 110 xe ô tô, hơn 4.200 xe mô tô; tước hơn 2.100 giấy phép lái xe các loại. 

Trong hơn 25.000 trường hợp vi phạm, các Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc C08 đã kiểm tra, phát hiện xử lý 103 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 400 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 54 trường hợp.

Cũng trong 9 ngày nghỉ, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 6,6% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông); phát hiện, xử lý 6 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. 

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 23 vụ phạm pháp hình sự, 32 đối tượng buôn bán, tàng trữ ma túy, pháo nổ giao cho cơ quan điều tra xử lý.

Trước tình hình kể trên, mới đây Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT toàn quốc tăng cường việc kiểm soát, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và dương tính với ma túy từ 1/3, kéo dài đến hết năm 2022.

Theo đó, CSGT toàn quốc căn cứ vào tình hình thực tế, có thể phối hợp lực lượng cảnh sát khác hoặc công an cơ sở để thành lập tổ chuyên đề xử lý vi phạm. Khi kiểm soát, cảnh sát được yêu cầu tuân thủ các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19. 

Mục tiêu đặt ra là kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Địa bàn được tăng cường kiểm soát là trục chính đô thị, cao tốc, quốc lộ, tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa cùng khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn. Phương tiện được tập trung kiểm tra là xe máy, ôtô con, xe khách, xe tải, xe container...

Với trường hợp phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, Bộ Công an yêu cầu xác minh để phát hiện tình tiết, tang vật. Khi xử lý phải rà soát hồ sơ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện trường hợp tái phạm, từ đó áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng. Trường hợp vi phạm về ma túy được thống kê, lập danh sách gửi UBND cấp xã để có biện pháp quản lý.

Ngoài ra, CSGT được yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ như vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại... Bộ Công an yêu cầu, khi gặp hành vi chống đối, CSGT phải chủ động và phối hợp với lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn và chuyển giao cho cơ quan chức năng. 

Điều khiển xe máy với nồng độ cồn vượt mức, bị xử phạt thế nào?

Điểm c) Khoản 6, Điểm c) Khoản 7, Điểm e) g) Khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

6. Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

7. Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

8. Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;

Như vậy, mức phạt tiền sẽ dựa vào nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở của bạn hoặc có thái độ không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn.