Siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử

PV.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 vừa được Ban chỉ đạo 389 quốc gia ban hành về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Thực tế cho thấy, trong thời điểm dịch bệnh vừa qua khi người dân có xu hướng mua sắm trực tuyến thay vì mua tại điểm bán truyền thống, nhiều đối tượng đã lợi dụng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng...

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế.

Tình trạng này có nguyên nhân chủ yếu do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục; năng lực, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; nhận thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính), cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và đa dạng, phong phú của sàn thương mại điện tử, từ đó tạo ra những kẽ hở để gian thương lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp. Hiện nay, thương mại điện tử phát triển rất nhanh nhưng quy định về quản lý loại hình này chưa đi vào nề nếp, vì thế khó để bảo đảm bình đẳng giữa người mua người bán. Chuyên gia này cho rằng, cần sự chung tay của các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, hải quan để có thể tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hướng tới mục tiêu phát triển về thương mại điện tử trong tương lai.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời. Cùng với đó, chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp phát hiện, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Tại Kế hoạch, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia... thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trung ương và địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế phối hợp cụ thể theo từng giai đoạn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu để đánh giá đúng thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử...

Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.