Siết chặt và xử lý nghiêm vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Thanh Trúc

Tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của hệ thống thủ tục hải quan điện tử nhằm trục lợi vẫn còn diễn biến phức tạp. Để siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng này, bên cạnh ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp mạnh trong thời gian qua, ngày 19/10/2020 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Phạt tiền lên từ 80.000.000–100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phạt tiền lên từ 80.000.000–100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Quyết liệt vào cuộc

Thời gian vừa qua, ngành Hải quan luôn quan tâm, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính giữa cơ quan hải quan với cá nhân, tổ chức, bảo đảm việc cải cách được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu từ xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đến khâu tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid 19 bùng phát.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của hệ thống thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm trục lợi.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, ngành Hải quan đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp siết chặt, xử lý nghiêm. Đặc biệt, tại thời điểm hiện nay và trong thời gian tới, toàn Ngành triển khai có hiệu quả quy định xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP khi văn bản này có hiệu lực.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP được ban hành với mục đích nhằm bảo đảm hơn nữa việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế, góp phần bảo đảm, duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; khuyến khích người khai hải quan, người nộp thuế chủ động tự giác chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan.

Trước  mắt, ngành Hải quan tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức nắm bắt nhanh các nội dung đã được quy định tại Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước về hải quan. Cụ thể, Tổng cục Hải quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến những điểm mới Nghị định số 128/2020/NĐ-CP đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Xử phạt nặng vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định rõ 04 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. So với quy định tại Điều 5 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 45/2016/NĐ-CP thì quy định mới này chỉ giữ lại 02 trường hợp và đã bỏ đi 05 trường hợp cũ liên quan đến việc khai nhầm lẫn, khai sai thông tin và trường hợp khai không đúng, vi phạm nhưng hàng hóa có trị giá thấp.

Tăng mức phạt tiền lên 10.000.000–20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tạm nhập, tái xuất hàng hóa (trừ hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất) phải có giấy phép tạm nhập, tái xuất mà không có giấy phép (trước đây phạt từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng). Ngoài ra còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;

Tạm xuất, tái nhập hàng hóa phải có giấy phép tạm xuất, tái nhập mà không có giấy phép, trừ trường hợp tạm xuất, tái nhập hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập (trước đây phạt từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng giảm mức phạt tiền xuống còn từ 20.000.000–40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Tạm nhập, tái xuất (trừ hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất) hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu (trước đây phạt từ 30.000.000 – 60.000.000 đồng);

Tạm xuất, tái nhập hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không có giấy phép tạm xuất, tái nhập (trước đây phạt từ 30.000.000 – 60.000.000 đồng).

Ngoài bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

Phạt tiền từ 40.000.000–50.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện mà không đủ điều kiện để kinh doanh tạm nhập, tái xuất (quy định mới hoàn toàn). Đồng thời, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

Phạt tiền từ 50.000.000–60.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép (quy định mới hoàn toàn). Đồng thời, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

Phạt tiền từ 60.000.000 – 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép, có tang vật vi phạm là hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam (quy định mới hoàn toàn). Ngoài ra buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.

Bên cạnh mức xử phát trên, Nghị định cũng tăng nặng mức phạt tiền lên từ 80.000.000 – 100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất (trước đây phạt từ 30.000.000 – 60.000.000 đồng). Cùng với đó, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.