Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới giảm mạnh
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 9 đạt 102.213 tài khoản, thấp nhất từ tháng 7/2021.
Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp số tài khoản mở mới giảm. Đáng chú ý, đây lần đầu tiên trong sáu năm, cá nhân nước ngoài đóng tài khoản giao dịch.
Cụ thể, trong tháng 9, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 102.144 tài khoản giao dịch, nâng tổng số tài khoản nhóm này vượt ngưỡng 6,5 triệu, tương đương khoảng 6,5% dân số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 2,3 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Nhà đầu tư tổ chức trong nước mở mới 100 tài khoản trong tháng 9, lũy kế đến cuối tháng 9 là 14.288 tài khoản.
Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức mở thêm 32 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 4.271 tài khoản. Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đóng 63 tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.068 tài khoản, thấp hơn 31 tài khoản so với thời điểm cuối tháng trước.n.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam vượt ngưỡng 6,6 triệu, gấp gần 3 lần thời điểm cuối năm 2019.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu, việc kiếm lời trên thị trường chứn khoán trở nên rất khó khăn đối với đại bộ phận nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng thì việc số tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm cũng là điều dễ hiểu.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam): Thanh khoản thị trường phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng Chín giảm 16% so với tháng trước xuống còn khoảng 11.800 tỷ đồng.
Theo loại nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 7,2% tổng giá trị giao dịch) đã chuyển sang chiến lược bán ròng, trong tháng Chín với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Mức bán ròng đó đã được các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng đối ứng (chiếm 86,4% tổng giá trị giao dịch).
Trong tháng Chín, các nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều bán ròng trên khắp các thị trường châu Á, cụ thể là tại thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 5,75 tỷ USD, Hàn Quốc (1,8 tỷ USD), Ấn Độ (1,4 tỷ USD), Thái Lan (655 triệu USD), Malaysia (337 triệu USD) và Philippines (216 triệu USD.
Tại Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng 111 triệu USD trong tháng Chín, sau khi mua ròng trong 5 tháng trước đó. Việt Nam cũng đã chứng kiến việc bán ròng của các quỹ ETF trong 3 tháng qua (tháng Bảy: 3,8 triệu USD; tháng Tám: 2,9 triệu USD; tháng Chín: 4,4 triệu USD); trong đó, giá trị bán ròng trong tháng Chín chủ yếu đến từ DCVFMVN Diamond (11,4 triệu USD).
Kết thúc tháng 9, VN-Index mất đến 11,5% và dừng ở mức 1.132,11 điểm, và giảm về vùng đáy 20 tháng, xóa sạch thành quả đạt được trong đợt hồi phục tháng 7 - 8 trước đó. Đây cũng là mức giảm mạnh thứ 3 từng ghi nhận vào các tháng 9, sau các đợt lao dốc tháng 9/2001 và 9/2008.
Mức giảm trên đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9. Vốn hóa trên sàn HoSE bị thổi bay hơn 588.000 tỷ đồng (xấp xỉ 25 tỷ USD) chỉ trong một tháng, về khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.
Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước liên tục giảm mạnh cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường thời gian gần đây.
Thống kê cho thấy, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 9 chỉ đạt 11.850 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch còn khớp lệnh chưa đến 10.000 tỷ đồng. Tháng 9 cũng là tháng giảm mạnh nhất của VN-Index trong vòng 30 tháng kể từ khi xuống đáy Covid-19 tháng 3/2020.