Sớm dùng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành mía đường
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng của ngành mía đường Việt Nam hiện nay là cần tiến hành ngay các biện pháp điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường nhập khẩu.
Giải pháp này được một số chuyên gia đề xuất trong bối cảnh Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2020 đến nay, khiến ngành mía đường trong nước lao đao vì phải cạnh tranh với đường ngoại nhập giá rẻ.
Lao đao vì đường ngoại nhập
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo (ATIGA) đối với ngành đường, khi không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Đáng lưu ý, cùng với lượng đường ngoại nhập chảy vào ồ ạt, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường, các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.
Sức ép của đường giá rẻ tràn vào khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó, giá đường thị trường nội địa giảm xuống, giá mía của nông dân cũng rất thấp, nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ…
Trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ doanh nghiệp và ngành mía đường trong nước cạnh tranh được trên thị trường, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là cần sớm triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng việc Việt Nam cần phải làm ngay là tiến hành các biện pháp điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với mía đường nhập khẩu. Việt Nam chấp nhận hội nhập nhưng cũng yêu cầu các nước trong ATIGA cần chơi đúng luật.
Việc tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể có khó khăn, tốn kém nhưng nên làm, và giai đoạn này, các ban ngành cần thực hiện một cách bài bản, có lộ trình và làm một cách mạnh mẽ.
“Quá trình điều tra cần bảo đảm đúng về mặt hình thức, tuân thủ quy định luật pháp trong nước và quốc tế. Thứ hai là về kỹ thuật, nghĩa là điều tra hoàn toàn khách quan dựa trên số liệu thống kê đáng tin cậy. Theo đúng quy định, quy trình để thực hiện. Vì thế, dù tốn kém nhưng theo tôi, Bộ Công thương vẫn phải dồn lực để làm” - ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.
Cần sớm áp dụng biện pháp phòng vệ
Hồi tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.
Và trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỉ lệ chủ yếu, đạt gần 860.000 tấn (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn).
Có thể nói, lượng nhập khẩu gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước. Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.
“Ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường. Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều tra theo đúng quy định của pháp luật để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh tới từ bên ngoài” - thông báo của Bộ Công thương nêu rõ.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Brazil và Úc gần đây đã liên minh với EU để chất vấn về tính hợp pháp của hệ thống hạn ngạch, trợ cấp đường của Thái Lan có phù hợp với các quy định do WTO đặt ra hay không? Vào tháng 4-2016, Brazil đã chính thức đệ đơn khiếu kiện ngành mía đường Thái Lan ra WTO. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các hành động bảo hộ của Thái Lan với ngành mía đường đã được nhìn nhận ở tầm quốc tế. Sau đó, Thái Lan đã phải tuyên bố điều chỉnh chính sách, năm 2019 đã có lộ trình sẽ thả nổi giá đường trong nước, điều chỉnh hạn ngạch….
“Chúng ta cần điều tra kỹ thuật đối với từng nhà sản xuất đường lớn cụ thể như Thái Lan để xác định mức chi phí của họ để xác định biên chống bán phá giá. Trên cơ sở quy định của WTO, có điều tra ban đầu và có đủ chứng cứ để tính ra biên độ. Hội nhập là xác định có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhưng chúng ta cần quyết tâm điều tra việc gian lận. Việt Nam chấp nhận hội nhập nhưng cũng yêu cầu các nước trong ATIGA cần chơi đúng luật", ông Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận.
Ông Thành cũng cho rằng, hiện tại, không chỉ là các đơn vị mía đường của Việt Nam bị thiệt hại, mà doanh nghiệp các nước khác cũng gặp không ít khó khăn. Nếu cần thiết, có thể thuê hãng luật, đơn vị tư vấn ở các nước có doanh nghiệp chúng ta điều tra, vì họ có kinh nghiệm, có địa bàn để lấy số liệu. Từ các số liệu thu thập đó, cung cấp cho cơ quản lý nhà nước để đẩy nhanh tiến trình khởi kiện. "Chúng ta phải thúc đẩy quá trình này, không nên chỉ dừng lại ở việc điều tra, có đơn khởi kiện", ông Thành nói.