Sóng mua bán và sáp nhập ngân hàng sẽ nổi
(Tài chính) Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng sẽ lại nổi trong giai đoạn 2015 – 2017 trước áp lực của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Đề án tái cơ cấu ngân hàng đang bước vào giai đoạn 2 với những yêu cầu về quản trị, về vốn, về tiêu chuẩn an toàn… đều được nâng lên một bước.
Cho đến giờ này, ngoài một vài thương vụ sáp nhập công ty tài chính, chưa có thương vụ M&A nào giữa các ngân hàng được diễn ra mặc dù hồi đầu năm nay, hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố kế hoạch M&A. SouthernBank lên kế hoạch sáp nhập Sacombank; Maritime Bank sáp nhập MDB; Techcombank mua lại Tài chính hóa chất; SHB mua Tài chính Vinaconex – Viettel; PGBank hé lộ ý định sáp nhập vào Vietinbank… Từ nay tới cuối năm, tình hình dường như không có nhiều thay đổi. Việc sáp nhập Maritime Bank và MDB sớm nhất cũng phải tới đầu năm 2015 mới trở thành hiện thực bởi hiện đề án sáp nhập của hai ngân hàng này vẫn chưa được hoàn thiện. Thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank vẫn đang dang dở. Với tình trạng ép giá của đối tác và sự bất đồng trong định giá tài sản như hiện nay, chưa chắc thương vụ bán GPBank cho ngân hàng UOB (Singapore) có thể chốt kịp trong năm 2014.
Từ năm 2012 đến nay, quá trình M&A đã giúp hệ thống ngân hàng giảm bớt được 5/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Trong số 4 ngân hàng yếu kém còn lại, ngoại trừ TPBank tự tái cơ cấu thành công, GPBank đang ráo riết đàm phán bán cho đối tác ngoại, VNBC và NCB cũng khó thoát khỏi viễn cảnh M&A.
Theo nhận định của Phó tổng Giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng E&Y Việt Nam Nguyễn Thùy Dương, có thể các ngân hàng đã rất nỗ lực để đóng thương vụ một cách thành công nhất nhưng để làm được điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể tới sự thiếu đồng thuận giữa các cổ đông, khó khăn trong xác định giá trị thực của ngân hàng mục tiêu, việc chưa xác định được mục đích rõ ràng hậu M&A… Một lý do nữa khiến quá trình M&A ngân hàng bị chậm, theo nhiều chuyên gia kinh tế chính là sự chống đối của một số cổ đông lớn, do lo sợ lợi ích nhóm không còn.
Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để hoàn tất một giao dịch sáp nhập, hợp nhất, các bên liên quan phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn và nhiều thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình M&A của các ngân hàng đang đứng trước một sức ép lớn. Trên thị trường, hiện có rất nhiều ngân hàng đang sở hữu quá 5% vốn cổ phần tại ngân hàng khác và tình trạng một tổ chức tín dụng nắm giữ cổ phần của 4 - 5 tổ chức tín dụng khác không phải là hiếm. Theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, có hiệu lực từ tháng 2.2015, các ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác, đồng thời tỷ lệ nắm giữ ở mỗi tổ chức tín dụng không được quá 5%. Các ngân hàng chỉ được phá rào quy định trên trong trường hợp mua cổ phiếu để tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho ngân hàng yếu, trên cơ sở được NHNN chỉ định hoặc chấp thuận. Các tổ chức tín dụng nếu có tỷ lệ sở hữu vượt mức quy định sẽ phải xây dựng phương án xử lý, trong đó có biện pháp và kế hoạch thoái vốn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ khi Thông tư có hiệu lực.
Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) Phạm Huyền Anh khẳng định, việc giới hạn sở hữu cổ phần ở mức 5% sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, bao gồm cả thao túng và lũng đoạn ngân hàng. Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, không chỉ giới hạn tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng tại tổ chức tín dụng khác, mà NHNN cũng quy định rất chặt về tỷ lệ nắm giữ của từng cổ đông tại các ngân hàng. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để nắm bắt việc nhà đầu tư mua, nắm giữ cổ phần như thế nào, lấy tiền ở đâu, tỷ lệ sở hữu của họ tại các ngân hàng ra sao, để từ đó ngăn ngừa và hạn chế hiện tượng lũng đoạn ngân hàng.
Như vậy, chỉ còn 15 tháng nữa để các ngân hàng đưa tỷ lệ sở hữu về mức cho phép. Một trong các giải pháp được các ngân hàng tính đến nhiều nhất là mua bán, sáp nhập. Điều này có thể sẽ đẩy làn sóng M&A ngân hàng dâng cao trong giai đoạn 2015 - 2017. Ngay trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của năm nay, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch xử lý sở hữu chéo thông qua hoạt động M&A.
Thêm một sức ép nữa đối với mua bán, sáp nhập ngân hàng, đó là việc Đề án tái cơ cấu ngân hàng đang bước vào giai đoạn 2, các yêu cầu về quản trị, về vốn, về tiêu chuẩn an toàn… sẽ được nâng lên một bước. Các ngân hàng không đáp ứng được các quy định trên sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi. Theo mục tiêu của NHNN, cuối năm 2017 cả nước chỉ còn 15 ngân hàng thay vì hơn 30 ngân hàng như hiện nay.