“Sốt đất” sẽ tiếp tục tái diễn trên diện rộng sau Tết Nguyên đán?
Theo các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.
Những ngày cuối năm 2021, dòng người đổ xô về các tỉnh ven Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tìm mua đất nền, khiến giá đất tại một số địa phương lại trở lên sốt nóng.
Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 12/2021 vừa được trang Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, thời điểm cuối năm nhu cầu tìm kiếm đất nền có xu hướng gia tăng tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, nhất là ở các thị trường vệ tinh giáp ranh Hà Nội như Hà Nam, Bắc Giang và Hưng Yên.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 12/2021, lượt tìm kiếm đất nền và đất nền dự án tại các địa phương này đều tăng hơn 2 con số. Cụ thể, nhu cầu tìm mua đất nền ở Hà Nội tăng 19% so với cùng kỳ 2020 trong khi Hà Nam tăng đến hơn 36% so với tháng 11 trước đó. Tương tự, tại Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang cũng ghi nhận lượt quan tâm tìm mua đất nền tăng 18-22%.
Cũng trong tháng cuối năm, một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu xuất hiện làn sóng rao bán đất nền nhộn nhịp. Mặc dù vậy, theo nhận định, phần lớn hiện tượng “sốt đất” này chỉ là sốt ảo, nhu cầu tìm mua và giao dịch thật không nhiều, số lượng tin rao bán nhà đất tại các địa phương miền Tây tăng mạnh nhưng nhu cầu tìm mua và giao dịch thực tế không tăng khiến cơn sốt này giảm nhiệt nhanh chóng trong những ngày cận Tết.
Sau Tết Nguyên đán sốt giá đất diện rộng có lặp lại?
Năm 2021, sau Tết Nguyên đán kéo dài đến tận tháng 4, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã.
Tại Hà Nội, sau thông tin thành phố chuẩn bị phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021, đất nền vùng ven sông đoạn chảy qua Hà Nội đã tăng dựng đứng.
Theo khảo sát, chỉ trong vòng nửa tháng, giá đất lại các khu vực "hot" thuộc huyện Đông Anh đã tăng 20-30%. Hiện tại, khu vực "đất vàng" Vĩnh Ngọc, khu vườn đào cạnh trung tâm Đông Anh đang ở mức 80-100 triệu đồng/m2 đất dịch vụ.
Các khu vực Tiên Dương, Nguyên Khê và Tàm Xá, Hải Bối ghi nhận sự tăng giá đột ngột từ mức 20-30 triệu đồng/m2 ở thời điểm tháng 1/2020 lên mức 30-50 triệu đồng/m2. Cá biệt nhiều lô đất mặt đường đẹp có giá 60-80 triệu đồng/m2…
Không chỉ tại Hà Nội, hồi đầu tháng 2, sau khi lãnh đạo Bình Phước đến huyện Hớn Quản để khảo sát vị trí lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng với quy mô 500 ha, thông tin này ngay lập tức được các nhóm môi giới từ nhiều tỉnh thành nắm bắt và tập trung về hai xã An Khương, xã Tân Lợi để "thổi giá" những mảnh đất vốn đang được phủ kín bằng cây cao su, khiến giá đất tại đây tăng dựng đứng.
Đáng chú ý, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khi đó cho thấy, sau Tết, giá đất tại nhiều địa phương sôi sục, trung bình tăng 10% sau một tháng, cá biệt có nơi tăng 2-3 lần trong 1-2 tháng.
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một loạt các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ… đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn, đẩy giá bất động sản. Sau đó, vài tháng thị trường đất nền mới dần ổn định.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại Hội nghị bất động sản Việt Nam VRES 2021 được tổ chức vừa qua, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không có những tín hiệu rõ ràng cho thấy có thể xảy ra tình trạng sốt đất vào năm 2022.
Theo ông Nghĩa, nếu xem xét kỹ bản chất của các đợt sốt giá đã xảy ra vào năm 2021 như đặc điểm của thị trường, nguồn cung hay sự thay đổi của điều kiện hạ tầng thì các lý do để tạo ra sốt đất đã không còn trong năm 2022.
Theo ông Nghĩa, năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho dự án. Ngay cả tại TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn.
"Tôi cho rằng không có tín hiệu nào để tạo ra những cơn sốt ở góc độ đầu tư trong năm 2022. Rất khó có sốt đất theo kiểu bơm giá, thổi giá, đẩy giá như chúng ta từng thấy", chuyên gia dự đoán.
Đồng quan điểm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.
Theo ông Lực, năm 2021, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.
Hơn nữa, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi “lướt song” thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây.
“Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó”, ông Lực nhận định.