Sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản
Đánh giá về tình hình hoạt động tội phạm kinh tế thời gian qua, công an tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2016, tội phạm lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Thủ đoạn gây án vẫn là lợi dụng công nghệ cao và pháp nhân DN để lập khống các hợp đồng kinh tế, hợp đồng đầu tư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huy động vốn… qua mạng!
Tháng 11/2016, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai đã đề nghị cơ quan báo đài phối hợp đăng thông tin tuyên truyền để người dân phòng ngừa và kêu gọi người bị hại của đường dây sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản liên hệ để củng cố hồ sơ phục vụ cho công tác điều tra.
Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) phối hợp với công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở đối với Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1978, Biên Hòa, Đồng Nai) - Chủ tịch HĐQT CTCP Phương Thái An (trụ sở ở đường Đồng Khởi, KP 3, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai); Phạm Thanh Toàn (SN 1971, ngụ Đồng Nai) - Tổng giám đốc và Hồ Đình Phú (SN 1992, Lâm Đồng) - Giám đốc kinh doanh, để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo cơ quan điều tra, 3 nghi can trên đã thuê người lập website Hero8.org để huy động vốn. Phương, Toàn và Phú quảng bá công ty của mình cần hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, kêu gọi các cá nhân tham gia ký kết hợp đồng với DN. Cách thức huy động vốn được đăng trên website hero8.org là đầu tư theo mã (ID).
Nhà đầu tư muốn tham gia phải mua một ID với số tiền 10.160.000 đồng, trong đó có 2.160.000 đồng là lệ phí tham gia hệ thống, còn 8.000.000 đồng là vốn đầu tư ban đầu. Sau 5 ngày góp vốn, nhà đầu tư sẽ được trả 2.200.000 đồng với một ID, rồi sẽ lần lượt nhận được tổng cộng 18 lần như vậy.
Với một mã ID chỉ hơn 10 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ nhận được gần 40 triệu đồng với lãi suất ước tính 4,3%/ngày và 130%/tháng. Ngoài ra, nếu giới thiệu được người khác tham gia, nhà đầu tư sẽ được hưởng từ 1-10% trên số tiền người được giới thiệu.
Với cách thức này, Phương, Toàn và Phú đã vận động được nhiều người mua với tổng cộng 21.405 mã ID. Để kích hoạt mã ID, khách hàng phải nộp thêm số tiền hơn 10 triệu đồng, tiền sẽ được công ty trả cho chủ đầu tư qua tài khoản ngân hàng.
Trong 10 tháng đầu năm 2016, nhóm của Phương đã huy động được khoảng 140 tỷ đồng của 4.000 khách hàng. Trên trang web của mình, các đối tượng tuyên truyền mục đích kêu gọi đầu tư là vào BĐS, vàng và gara ô tô. Tuy nhiên, chúng đã dùng tiền của người sau trả cho người trước và sử dụng để tiêu xài cá nhân chứ không kinh doanh.
Lừa đảo qua công nghệ cao
Công an tỉnh Đồng Nai nhận định, thời gian qua nổi lên tình trạng kẻ gian lợi dụng xu thế sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại của người dân, như: điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức. Thống kê của công an tỉnh Đồng Nai cho thấy, đối với loại tội phạm công nghệ cao, đến nay công an tỉnh đã khởi tố điều tra 3 vụ, bắt 5 bị can, trong đó có một bị can là người nước ngoài.
Theo công an Đồng Nai, các đối tượng lừa đảo bằng hình thức tặng quà qua facebook được xác định là dùng địa chỉ tại nước ngoài, cấu kết với những người trong nước để giả danh cán bộ bưu điện, hải quan chiếm đoạt tiền của người dân. Khi “con mồi” đã cắn câu, chúng sẽ đưa ra tình huống khác để dụ người gửi tiền tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cho chúng để có thể lấy được món quà.
Tháng 5/2016, sau khi nhận được trình báo của các bị hại về chuyện này, công an tỉnh Đồng Nai đã cử các trinh sát tiến hành bắt giữ và khởi tố hai đối tượng gồm Ojuku Martins (36 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh, người Nigeria) và Cao Nguyệt Ánh (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) khi đang thực hiện hành vi nhận số tiền 225 triệu đồng của bị hại.
Theo điều tra ban đầu, hai đối tượng đã khai nhận là cấu kết thực hiện giả danh các nhân viên của các cơ quan chức năng rồi tạo niềm tin để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Chúng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo ở các địa bàn khác nhau và hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ và mở rộng truy bắt các đối tượng khác.
Tổng kết công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao năm 2016, công an tỉnh Đồng Nai còn cảnh báo một trong những thủ đoạn kẻ gian gần đây hay sử dụng là lấy cắp địa chỉ thư điện tử, thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân… của nhiều người rồi rao bán cho các tổ chức, nhóm, cá nhân lừa đảo.
Đặc biệt là tình trạng giả danh cán bộ điều tra, cơ quan chức năng để hù dọa, ép buộc người dân nhẹ dạ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Hiện, trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo kiểu này, chiếm đoạt của người dân hàng chục tỷ đồng.