Nước mắm Phú Quốc: Mở đường lớn vào EU

Theo dddn.com.vn

Nước mắm Phú Quốc đã chính thức được bảo hộ độc quyền trên toàn bộ lãnh thổ 28 nước thuộc Liên minh châu Âu.

Nước mắm Phú Quốc: Mở đường lớn vào EU
Nước mắm Phú Quốc được bày bán trên thị trường. Nguồn: dddn.com.vn
Tại EU đã hình thành 3 hệ thống bảo hộ (với 3 logo) liên quan đến chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn xuất xứ được bảo hộ (PDO), chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI), bảo đảm đặc sản truyền thống (TSG). Đến nay, đã có 14 nhãn hiệu nông sản ngoài khu vực EU được chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU, trong đó, Trung Quốc có 10 nhãn hiệu, Colombia có 1 nhãn hiệu, Ấn Độ có 1 nhãn hiệu, Thái Lan có 1 nhãn hiệu, và 1 nhãn hiệu của VN - nước mắm Phú Quốc.

Đây là một trong những thành công bước đầu để bảo hộ hàng hóa Việt Nam tại Liên minh châu Âu do Bộ Công thương thực hiện với sự hợp tác, giúp đỡ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và sự tài trợ của dự án EU-MUTRAP.

Đàng hoàng tiến ra thế giới

Việc bảo hộ Tên gọi xuất xứ (PDO) tại EU đã nâng cao uy tín của thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả nước mắm Phú Quốc tại thị trường Liên minh châu Âu và thúc đẩy thương mại sản phẩm này trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và cũng là sản phẩm đầu tiên của ASEAN được đăng ký bảo hộ PDO tại thị trường tất cả 28 nước thành viên EU. Lâu nay, nước mắm Phú Quốc rất nổi tiếng trong nước nhưng ở nước ngoài thì không mấy ai biết. Giờ thì nửa tỉ người tiêu dùng châu Âu sẽ có cơ hội khám phá loại hàng này. Như vậy, việc bảo vệ xuất xứ của nước mắm cũng là một cách bảo vệ truyền thống và cách sản xuất truyền thống của loại gia vị này.

Trước đó, sau ba năm thực hiện các thủ tục, cuối năm 2012, thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu (EU). Đây là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại EU, mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản tiềm năng khác.

Hiện EU là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam, gần 18% nông sản xuất khẩu của Việt Nam được đưa vào EU, với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm. Nhiều loại nông sản Việt Nam đã nổi tiếng ở EU, khiến các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác đã nhái một số thương hiệu nông sản của Việt Nam đưa vào EU để tiêu thụ. Thêm vào đó, hơn 90% lượng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu hiện phải mang thương hiệu của nước khác. Các chuyên gia kỳ vọng, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đăng ký để được bảo hộ trực tiếp các sản phẩm truyền thống của mình tại EU.

Được biết, trước khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý ở EU, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc từng bị một doanh nghiệp Thái Lan đăng ký nhãn hiệu tại Pháp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của nước mắm Phú Quốc.

Vẫn còn những băn khoăn
Quá trình để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại EU rất khó khăn do phải đối mặt với nhiều quy trình kiểm định khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng… Với những lợi thế đã nhìn thấy, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản Việt Nam cần gấp rút triển khai bởi đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng là cách nâng cao giá trị hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thế giới. 

Tuy vậy, cũng như PDO, nước mắm Phú Quốc là nhãn hiệu duy nhất được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có đến hàng nghìn loại nông sản có khả năng đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng đến nay mới có 35 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam với các sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, hồi Lạng Sơn, gạo tám xoan Hải Hậu, vải thiều Thanh Hà...  Trong số 35 sản phẩm này, mới chỉ có 3 chỉ dẫn địa lý được đăng ký ở nước ngoài. Đây là một thực trạng đáng buồn đối với nước ta, vốn có vô số những thương hiệu đáng giá.

Rõ ràng, dù khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự thay đổi về tư duy nhận thức về việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Các chuyên gia nước ngoài nhận định, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cách tốt nhất để doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của mình.

Bà Audrey Aubard, chuyên gia tư vấn về chỉ dẫn địa lý cho biết, khi được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ có rất nhiều cái lợi. Tên nhà sản xuất sẽ được bảo lưu cùng các sản phẩm đặc trưng và được sản xuất trong khu vực địa lý phân định. Còn người tiêu dùng sẽ được đảm bảo an toàn về xuất xứ, chất lượng sản phẩm và đặc tính riêng biệt của sản phẩm. Đặc biệt, trung bình giá sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cao gấp 2,23 lần giá sản phẩm tương tự không có chỉ dẫn địa lý.

Tuy việc được bảo hộ độc quyền của nước mắm Phú Quốc không thể khiến người tiêu dùng châu Âu ngay lập tức tìm mua sản phẩm này, vì còn phụ thuộc thói quen tiêu dùng, chiến lược marketing… Nhưng ít nhất điều đó giúp nước mắm Phú Quốc dễ dàng chen chân vào các siêu thị trên toàn châu Âu. Nó cũng giúp tăng giá trị của sản phẩm và suy cho cùng sẽ giúp tăng thu nhập cho người sản xuất. Ngoài ra, điều đó góp phần khuyến khích việc sản xuất hàng có chất lượng tốt và thúc đẩy du lịch địa phương, bởi đây sẽ là một kênh để người du lịch biết đến hòn đảo này.