Tập đoàn Hưng Thịnh hợp tác cùng Đèo Cả làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Thanh Sơn

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sau khi Thường trực tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi làm việc để nghe liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

 Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Ảnh Anh Quân
Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Ảnh Anh Quân

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Công trình có điểm đầu tại Km59+594 (lý trình Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú), giao với Quốc lộ 20 tại Km 69+400, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối Dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 67 km.

Giai đoạn 1 (2021-2025), dự án có nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m với 4 làn xe ô tô. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 vào khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng; phần vốn còn lại (9.908 tỷ đồng) sẽ do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ thu phí 2.000 đồng/km/phương tiện quy đổi. Lộ trình tăng giá vé 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15%, trong thời gian khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến năm 2052). Các tuyến cao tốc này kỳ vọng sẽ là lực đẩy rất lớn cho sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng.

Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn là những tên tuổi bất động sản đã đặt chân đến thị trường này, phần nào cho thấy cho thấy, tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn rất lớn. Đặc biệt là Bảo Lộc thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú - Invest, Thanh Niên Holdings, Vingroup, TTC, Vinamilk, Sabeco...

Theo các chuyên gia kinh tế, đên cạnh quyết tâm chính trị, một thuận lợi lớn đối với UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc chuẩn bị Dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Lâm Đồng là liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án này thực hiện có năng lực đó là Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Đèo Cả.

Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh có gần 20 năm hình thành phát triển với hơn 100 dự án và hơn 4.500 ha quỹ đất, cung cấp hơn 50.000 sản phẩm ra thị trường. Các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư và phát triển trải dài khắp cả nước, không chỉ dừng lại ở các thành phố trọng yếu như TP. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ở các khu vực nhiều tiềm năng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định và Hà Nội.

Trong khi đó, Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư có năng lực, bề dày kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức BOT như: hầm đường bộ Đèo Cả; Hải Vân; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Đồng Đăng - Trà Lĩnh.