Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 4 - 9/01/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Toàn cầu: Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9%, thấp hơn 0,4% so với dự báo đưa ra tháng 6/2015, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,4% của năm 2015.

(Theo WB ngày 6/01)

Trung Quốc: Tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,7% trong năm 2016, thấp hơn so với 6,9% của năm 2015 và là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1990.

(Theo WB ngày 6/01)

Malaysia: Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 sẽ đạt 5,3%, cao hơn mức 4,7% đưa ra trước đó, nhờ các yếu tố: (i) Chi tiêu của Chính phủ sẽ tăng lên 3,2% (so với mức 2,1% năm 2015); (ii) Xuất khẩu dự kiến đạt mức tăng 4,7%, giúp tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa…

(Dự báo của Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Indonesia ngày 6/1)

Brazil: Trong năm 2015: GDP giảm 3,1%; Thâm hụt ngân sách ở mức 2% GDP; Tỷ lệ lạm phát khoảng 10,8%; Tỷ lệ thất nghiệp là 7,5%.

(Theo số liệu thống kê sơ bộ của Chính phủ Brazil)

Vàng

Theo nhóm nghiên cứu GFMS tại Thomson Reuters, sản lượng vàng toàn cầu tăng từ khoảng 3.120 tấn trong năm 2014 lên đến 3.150 tấn năm 2015. Tuy nhiên, sản lượng vàng năm 2016 được dự báo sẽ giảm khoảng 100 tấn, xuống còn 3.050 tấn. Nguyên nhân do:

- Các công ty khai thác mỏ cắt giảm chi phí vốn để phù hợp với mức giá thấp trong những năm gần đây.

- Xu hướng đầu tư phát triển vào ngành công nghiệp này sụt giảm trong hơn 3 năm qua.

Dầu thô

Trong tuần kết thúc vào ngày 01/01:

- Nguồn cung xăng của Hoa Kỳ tăng 10,6 triệu thùng - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1993; lượng sản phẩm chưng cất lưu kho tăng 6,3 triệu thùng. (Theo EIA)

- Lượng dầu lưu kho tại điểm giao nhận Cushing, bang Oklahom tăng 480.000 thùng.

(Theo Hãng Genscape)

Trong bối cảnh giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 11 năm, các nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ lớn trên thế giới sẽ tiếp tục xu hướng cắt giảm đầu tư, cụ thể:

- Đầu tư vào lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ toàn cầu năm 2016 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, ở mức 522 tỷ USD, sau khi giảm 22% (tương đương 595 tỷ USD) trong năm 2015 - ghi nhận lần đầu tiên giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 1986;

- Các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ như Chevron và ConocoPhillips đã công bố kế hoạch cắt giảm 25% ngân sách trong năm 2016. Tập đoàn Royal Dutch Shell dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu thêm 5 tỷ USD để tiến hành kế hoạch mua lại Tập đoàn BG.

(Theo Chuyên gia phân tích dầu mỏ và khí đốt tại BMO Capital Markets, ông Brendan Warn)

Saudi Arabia ngày 6/1 đã quyết định giảm giá dầu thô giao tháng 2/2016 cho châu Âu nhằm giữ thị phần trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đang dư thừa nguồn cung. Cụ thể:

- Giá dầu thô nhẹ Arab sang thị trường châu Âu giảm 0,60USD/thùng so với tháng 1/2016, xuống thấp hơn 4,85 USD/thùng so với mức giá chuẩn;

- Giá các loại dầu khác cũng được giảm 40 - 50 UScents/thùng.

(Theo Tập đoàn Dầu lửa quốc gia Aramco của Saudi Arabia)

Ngày 8/01, giá dầu giảm phiên thứ 5 liên tiếp, chốt phiên, giá dầu giao kỳ hạn tháng 02/2016 diễn biến như sau:

- WTI giao tại New York giảm 11 cent, tương đương 0,3%, xuống 33,16 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 02/2004.

- Brent giao tại London giảm 20 cent, tương đương 0,6%, xuống 33,55 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 6/2004.

Tính chung cả tuần, WTI giảm 10,5%, ghi nhận tuần giảm thứ 11 trong 13 tuần qua; Brent giảm 10%.

Dự báo:

- Ngân hàng Goldman Sachs ngày 8/01 dự báo: Giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp trong quý I/2016, do đó các nhà sản xuất sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí đầu tư.

- Ngân hàng ABN Amro (Scotland) hạ dự báo giá dầu Brent và WTI trong năm 2016 xuống 50 USD/thùng so với mức tương ứng 65 USD/thùng và 60 USD/thùng đưa ra trước đó.

Chứng khoán

Tính chung cả tuần, chứng khoán Mỹ giảm điểm do ảnh hưởng của việc giá dầu giảm và lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu. Cụ thể:

+ Dow Jones giảm 6,2%, xuống còn 16.346,45 điểm;

+ S&P 500 giảm 6%, xuống còn1.922,03 điểm;

+ Nasdaq cũng giảm 7,3%, xuống xuống 4.643,63 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 6,12%, xuống 124,05 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 5,36%, xuống 17.697,96 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 18,57%, xuống 3.186,41 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 5,51%, xuống 20.453,71 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,44%, xuống 1.917,62 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 6,31%, xuống 4.916,301 điểm.

Châu Á

Hàn Quốc sẽ cung cấp 2.400 tỷ won (tương đương 2,03 tỷ USD) vốn ODA cho các nước đang phát triển trong năm 2016, tăng 61,2 tỷ won (51,7 triệu USD - tương đương 2,5%) so với năm 2015 và bằng 0,15% GDP của Hàn Quốc. Trong đó:

- Khoảng 1.900 tỷ won (tương đương 1,61 tỷ USD) là theo phương thức hợp tác song phương, Hàn Quốc trực tiếp hỗ trợ vốn và vật tư cho nước nhận viện trợ;

- Khoảng 490 tỷ won (414 triệu USD) theo phương thức hợp tác đa phương, bằng cách hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức quốc tế.

Tổng số vốn FDI vào Hàn Quốc trong năm 2015 đã lên tới 20,9 tỷ USD, tăng 10% so với con số kỷ lục 19 tỷ USD năm 2014. Lượng FDI được giải ngân tại Hàn Quốc trong năm 2015 cũng lên tới 16 tỷ USD, tăng 32,3% so với năm 2014. Dự báo Hàn Quốc có thể thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn FDI trong năm 2016, nhờ sự phục hồi nhẹ của nền kinh tế Mỹ kinh tế thế giới, hiệu quả của các FTA và nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

(Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc)

Thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong tháng 11/2015 đã tăng tới 9,40 tỷ USD so với 9,12 tỷ USD của tháng 10. Đây là tháng thứ 45 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai.

Tính chung 11 tháng năm 2015, giá trị thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đã lên tới 97,99 tỷ USD so với mức 77,42 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014.

Dự báo, cả năm 2015, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

(Theo NHTW Hàn Quốc - BOK)

Thái Lan đã sẵn sàng triển khai 24 dự án với ngân sách 3,755 tỷ baht (gần 104 triệu USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế công nghệ số. Các dự án này sẽ giúp xây dựng “mạng lưới cộng đồng số” trên cơ sở phát triển và nâng cấp 2.280 trung tâm đào tạo công nghệ thông tin hiện nay. Tháng 10/2015, Chính phủ Thái Lan đã công bố chiến lược đổi mới mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó, vai trò của kinh tế công nghệ số cũng được nhấn mạnh.

(Bộ Thông tin và truyền thông Thái Lan)

Chính phủ Oman đang lên kế hoạch cắt giảm khoảng 70% các khoản trợ cấp trong năm 2016 để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách do giá dầu thấp. Dự báo mức thâm hụt ngân sách trong năm 2016 là 3,3 tỷ rial, tương đương 13% GDP, giảm so với mức 4,5 tỷ rial của năm 2015.

(Theo Bộ Tài chính Oman)

Hoa Kỳ

Chỉ số trong lĩnh vực chế tạo đã giảm từ 48,6 (điểm) trong tháng 11/2015 xuống 48,2 trong tháng 12 và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009. Nguyên nhân:

(i) Giá đồng USD tăng lên;

(ii) Nhu cầu toàn cầu giảm sút;

(iii) Nhiều doanh nghiệp trong nước nỗ lực giảm bớt việc xây dựng các kho chứa hàng.

(Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ - ISM)

Trong năm 2015, 17,47 triệu chiếc xe đã được bán ra trên thị trường Hoa Kỳ, vượt qua mốc 17,41 triệu chiếc trong năm 2000, nhờ giá xăng dầu thấp; tín dụng dễ dàng và tăng trưởng kinh tế đã giúp thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi. Dự báo năm 2016, doanh số bán ô tô tại Hoa Kỳ sẽ xác lập mức kỷ lục mới với 18 triệu chiếc, khi kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng, việc làm và thu nhập đều có dấu hiệu tích cực.

(Theo Autodata Corp)

Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Hoa Kỳ đã giảm từ 52,8 trong tháng 11/2015 xuống 51,2 trong tháng 12, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012.

(Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Markit)

Trung Quốc

Trong tháng 12/2015, chỉ số PMI hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm xuống còn 48,2 điểm, thấp hơn mức 48,6 điểm của tháng 11, ghi nhân tháng giảm thứ 10 liên tiếp và đồng thời là quý sụt giảm mạnh nhất trong vòng 25 năm qua.

(Theo Tập đoàn truyền thông Tài Tân của Trung Quốc)

- Ngày 04/01/2016, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc đã kết thúc sớm vào lúc 13 giờ 28 phút sau khi cổ phiếu giảm 7%, qua đó khởi động cơ chế “tự ngắt” mới trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016, nhằm kiểm soát sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cơ chế này theo dõi Chỉ số Hushen 300 - phản ánh hoạt động của hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, cụ thể: (i) Khi chỉ số Hushen 300 tăng hoặc giảm khoảng 5%, cơ chế này áp đặt dừng hoạt động giao dịch trong 15 phút; (ii) Khi chỉ số Hushen 300 giảm trên 7% thì sẽ dừng giao dịch trong ngày.

Tuy nhiên, ngày 08/01/2016, Trung Quốc quyết định ngừng áp dụng cơ chế này để ổn định lại thị trường. Theo Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC), sau khi áp dụng, cơ chế này đã gây ra những tác động tiêu cực dẫn tới xu hướng bán tháo trên thị trường Trung Quốc trong tuần qua. Deutsche Bank nhận định, ngưỡng tạm dừng giao dịch mà Trung Quốc áp dụng (7%) được coi là thấp so với cơ chế ngắt tự động tại các thị trường khác (tại Mỹ, hoạt động giao dịch phải dừng khi chỉ số Standard & Poor giảm 7% và 13 % và chỉ bị đóng cửa trong ngày khi nó giảm tới 20 % - dừng 2 lần trước khi đóng cửa).

- Ngoài ra, CSRC cũng đưa ra quy định mới nhằm hạn chế các cổ đông lớn bán cổ phiếu. Theo đó, yêu cầu các cổ đông và nhà điều hành công ty sở hữu hơn 5% cổ phần của công ty không được bán hơn 1% số cổ phần của công ty trong vòng 3 tháng. Những người muốn bán cổ phần phải công bố kế hoạch trước 15 ngày. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 09/01/2016.

Tác động: Trong ngắn hạn, quy định này giúp giảm khả năng các nhà đầu tư lớn tháo chạy khỏi thị trường vốn đang trong giai đoạn biến động mạnh. Tuy nhiên, Ngân hàng đầu tư NSBO nhận định, trong dài hạn, việc Chính phủ Trung Quốc luôn sẵn sàng can thiệp vào thị trường và một lượng lớn cổ phiếu đang chờ bán sẽ khiến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh.

(Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc)

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới) trong tháng 12/2015 đã giảm 108 tỷ USD, xuống còn 3.330 tỷ USD, thấp hơn dự báo 3.420 tỷ USD mà các chuyên gia Bloomberg đưa ra trước đó. Tính cả năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm hơn 500 tỷ USD so với năm 2014.

(Theo NHTW Trung Quốc - PBoC)

Xu hướng đầu tư:

- Năm 2015, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục là 126 tỷ USD. Trong các tháng từ 1 - 11, Trung Quốc đã tiếp nhận 114 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực phi tài chính, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014.Ngoài ra, gần 24.000 doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thành lập tại Trung Quốc, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc - MOC)

- Giá trị giao dịch bất động sản ở nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2015 có thể vượt qua mức 20 tỷ USD, tăng so với 14 tỷ USD của năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản trong nước ảm đạm đã khiến nhà đầu tư lớn của Trung Quốc chuyển hướng ra nước ngoài nhằm tăng lợi nhuận.

+ Các thương vụ lớn trong năm 2015 của Trung Quốc tại các nước: Tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc đã trả 1,95 tỷ USD để thâu tóm khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng nhất của Mỹ; Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc chi hơn 1,7 tỷ USD để mua các tòa nhà văn phòng thuộc sở hữu Tập đoàn bất động sản Investa tại Australia; Tập đoàn bảo hiểm Ping An mua lại tòa tháp Tower Place tại London (Anh) với giá khoảng 460 triệu USD.

+ Các thị trường chính: Mỹ, Anh và Australia.

(Theo Tập đoàn Bất động sản toàn cầu Savills)

Ngày 7/01, Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng NDT xuống 6,5646 NDT/USD, giảm 0,51% so với ngày 6/01, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2015 và ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đàm phán để có thể hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong năm 2016 thông qua tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác với các bên khác, nhằm tiếp cận thị trường khu vực, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và triển vọng kinh tế.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc)

Nhật Bản

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song, trong năm 2016, nền kinh tế Nhật Bản sẽ thoát khỏi giảm phát sau 3 năm thực thi các biện pháp kích thích kinh tế. Chính phủ Nhật Bản sẽ quyết tâm thực hiện ba mũi tên trong chính sách kinh tế Abenomics giai đoạn hai, gồm:

- Nâng GDP lên mức 600.000 tỷ yên (5.000 tỷ USD);

- Nâng tỷ lệ sinh lên 1,8%;

- Xóa bỏ hoàn toàn tình trạng người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc người thân cao tuổi.

(Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe)

Với mục tiêu trong những năm tới sẽ hoàn thiện chế độ bảo lãnh tín dụng tại ASEAN, trong năm 2016, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng và áp dụng chế độ bảo lãnh tín dụng, nhằm tạo thuận lợi huy động vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ASEAN sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực, cụ thể:

- Trong giai đoạn đầu, Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia tới các nước ASEAN để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ hợp tác, hỗ trợ mở các nhóm nghiên cứu tại các nước.

(Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản)

Nhật Bản đặt mục tiêu lạm phát 2% trong nửa cuối tài kh​óa 2016 (bắt đầu từ tháng 04/2016). Tuy nhiên, giá tiêu dùng khó có khả năng tăng nhanh hơn trong thời gian tới do chi phí nhiên liệu giảm. Do đó, BoJ đang cân nhắc khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn.

(Theo NHTW Nhật Bản - BoJ)

Philippines

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế Philippines sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ quý 4/2015. Theo đó, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% trong nửa đầu năm 2016, dựa trên các cơ sở:

- Chi tiêu tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt;

- Xuất khẩu được dự báo tăng;

- Tăng trưởng của các ngành gia công phần mềm, sản xuất và du lịch đều khả quan.

(Theo Bộ trưởng Bộ Ngân sách Philippines Florencio Abad)

Mặc dù sản lượng gạo dự trữ tại các kho của Philippines đã được bổ sung thêm ở nhiều khu vực, tuy nhiên, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) vẫn đưa ra kế hoạch nhập khẩu 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan, nhằm cung cấp đủ gạo cho thị trường nước này trong năm 2016, chủ động ứng phó với những rủi ro từ thiên tai hoặc thảm họa.

(Theo Manila Bulletin)

Canada

Ngày 6/01, đồng đô la Canada (CAD) lần đầu tiên giảm xuống mức 70,90 1 CAD/cent, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây do giá dầu sụt giảm mạnh và khác biệt trong chính sách tỷ giá giữa Hoa Kỳ và Canada, tiếp tục tạo thêm áp lực lên đồng CAD đang suy yếu. Lần gần đây nhất, CAD xuống dưới ngưỡng 71 cent Mỹ là tháng 8/2003, sau khi phục hồi nhẹ từ mức thấp kỷ lục 61,79 CAD/cent hồi tháng 01/2002.

Mexico

Tháng 11/2015, Mexico tiếp nhận trên 1,8 tỷ USD kiều hối, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014; tăng cao hơn so với 1,3% của tháng 10 và 4,5% của tháng 9/2015. Lũy kế 11 tháng năm 2015, Mexico nhận lượng kiều hối trên 22,5 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tại, Mexico đứng đầu khu vực Mỹ La-tinh và xếp thứ 4 trên thế giới về lượng kiều hối.

Dự báo kiều hối trong cả năm 2015 có thể vượt ngưỡng 25 tỷ USD, cao hơn cả kim ngạch xuất khẩu dầu khí và trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng thứ 2 sau ngành chế tạo của nước này.

(NHTW Mexico - Banxico)

Bỉ

Cuộc đình công của công nhân viên ngành đường sắt Bỉ trong hai ngày 6 - 7/01 đã khiến nước này thiệt hại khoảng 40 triệu euro/ngày. Trong đó, thiệt hại do ùn tắc ước tính khoảng 16 triệu euro.

(Theo Liên đoàn các công ty của Bỉ - FEB)

Brazil

Thặng dư thương mại trong năm 2015 đạt 19,681 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2011. Cụ thể:

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 171,5 tỷ USD, giảm 24,3% so với năm 2014;

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 191,1 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2014.

Dự báo, trong năm 2016, thặng dư thương mại của Brazil sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD.

(Theo Bộ Phát triển, Công nghiệp và Ngoại thương Brazil)

Ký kết - Thỏa thuận

Trung Quốc và Ai Cập

Ai Cập và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập một liên doanh giữa các tập đoàn lớn của Ai Cập và một đối tác Trung Quốc để triển khai các dự án thuộc Thủ đô hành chính mới của Ai Cập, giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD. Liên doanh gồm Công ty thi công Arab Contractors, Tập đoàn cung cấp các thiết bị và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực xây dựng PETROJET của Ai Cập và Tổng công ty CSCES của Trung Quốc.

Trung Quốc và Iran

Iran và Trung Quốc đang hướng tới việc thiết lập một cơ chế hoán đổi tiền tệ chủ chốt với kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.Theo đó, hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc bán cho Iran cũng như dầu mỏ Iran xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ được thanh toán bằng đồng NDT.

Hai nước đã bắt đầu tiến trình đàm phán về cơ chế thanh toán này, tuy nhiên, hai bên cần thống nhất một số vấn đề kỹ thuật.