Chuyên gia hiến kế giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Việt Hoàng (T/h)

Theo ông Andrea Coppla - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong thời gian tới, song song với việc phát huy hiệu quả của các chính sách tài khóa, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi các chương trình phát triển, chương trình xã hội khác...

Ông Andrea Coppla - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Ông Andrea Coppla - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra chiều ngày 12/9, ông Andrea Coppla - Kinh tế trưởng WB cho rằng, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý II, quý III/2022 rất tốt. 

Điều này rất ấn tượng trong bối cảnh hiện nay, sự tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam sẽ chậm hơn. Lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, trong đó có nguồn cung ứng về năng lượng,...

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, nếu nhìn vào tương lai, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức cơ bản. Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, xét về yếu tố lạm phát, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn ra thì xuất hiện những rủi ro liên quan giá cao, như giá lương thực... làm cho chi phí về sản xuất, chi phí lao động cũng bị ảnh hưởng và kéo theo những tác động bất lợi.

Trong bối cảnh đó, ông Andrea Coppla khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần chủ động ứng phó với những biến động không thuận lợi từ bên ngoài. Đại diện WB cho rằng, Việt Nam cần điều hành cân đối giữa chính sách phục hồi nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; chủ động các kịch bản để đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần phải tiếp tục chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.

Trước mắt, phải sử dụng hiệu quả những gói hỗ trợ tăng trưởng phục hồi. Từ đó có thể hạn chế được tác động tiêu cực của việc tăng giá. Việt Nam cần kiểm soát được lạm phát. Theo đại diện WB, nếu đưa lạm phát lên mức trên 4% so dự kiến thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thắt chặt lãi suất. Các ngân hàng phải có chiến lược tạo ra sự phục hồi cho chính mình để có thể đối mặt với sự rủi ro liên quan đến sự phá sản; cần phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế... Những quyết định của chính sách tài khóa, tiền tệ như vậy có thể hướng những hành vi của thị trường, góp phần phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, nâng cao khả năng thanh khoản của nền kinh tế.

Đồng quan điểm với đại diện WB, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) khẳng định, sự thành công của Việt Nam trong phục hồi kinh tế thời gian qua mở ra triển vọng tốt đẹp đối với môi trường đầu tư và kinh doanh.

ADB dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% vào năm nay. Theo đại diện ADB, việc giải ngân đầu tư công cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để có thể duy trì được sự tăng trưởng nhanh, đảm bảo sự phục hồi bền vững, Việt Nam cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi số; tăng cường tính minh bạch, tạo sự công bằng giữa các chủ thể của nền kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Francois Phainchaud - Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, các chính sách liên quan phòng, chống COVID-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. Đây là công việc khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam đã phối hợp hài hòa trong điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Trong thời gian tới, đại diện IMF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục triển khai chính sách tài khóa hỗ trợ chính sách tiền tệ và cho phục hồi kinh tế với vai trò mạnh mẽ hơn, nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn, trên diện rộng hơn để không đi ngược lại chính sách tiền tệ. Đại diện IMF nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng.