Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều thách thức
Dữ liệu chính thức vừa được công bố cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2023, thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia nhưng vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Bắc Kinh...
Trái với kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đã phải vật lộn để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, do chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu, nợ chính quyền địa phương gia tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm hơn.
Trước đó, các chuyên gia phân tích được Reuters thăm dò đã dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2023 của Trung Quốc sẽ tăng 5,3% so với cùng kỳ, nhanh hơn so với tốc độ 4,9% của quý trước đó.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của China Beige Book International công bố hôm thứ Tư: “Quá trình phục hồi sau COVID-19 là đáng thất vọng. Để tăng tốc trong năm nay đòi hỏi phải có một sự thay đổi đột biến trên toàn cầu hoặc chính sách tích cực hơn của chính phủ Trung Quốc”.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, cả năm 2023, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 5,2%, một phần được hỗ trợ bởi hiệu ứng tăng trưởng thấp của năm trước đó do các lệnh phong tỏa COVID-19 kìm hãm hoạt động kinh tế.
Tính theo quý, GDP quý IV tăng 1,0% so với quý trước đó, phù hợp với kỳ vọng tăng 1,0% nhưng thấp so với mức tăng 1,5% đã điều chỉnh trong quý III.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2023 và những nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ duy trì được kết quả như vậy trong năm nay.
Cũng theo dữ liệu được công bố, cùng với dữ liệu GDP cho thấy, tăng trưởng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 của Trung Quốc đạt tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022, nhưng doanh số bán lẻ lại tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2023, trong khi tích lũy tài sản vẫn "ảm đạm".
Sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, từng là động lực chính của nền kinh tế, tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Dữ liệu của NBS cho thấy, giá nhà xây mới tháng 12/2023 của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2015, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp. Trong khi đó, doanh số bán nhà tính theo diện tích sàn giảm 8,5% trong năm, số công trình mới khởi công giảm 20,4%.
“Tôi nghĩ thị trường đã thất vọng vì ngân hàng trung ương không cắt giảm lãi suất hôm đầu tuần, nhưng có vẻ như họ đang nghĩ đến các biện pháp có mục tiêu hơn”, Woei Chen Ho, chuyên gia kinh tế tại UOB nói và thêm rằng: “Các vấn đề đối với thị trường tài sản sẽ không được khắc phục trên diện rộng thông qua việc cắt giảm lãi suất”.
Đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn, bất chấp kỳ vọng của thị trường là cắt giảm, do áp lực lên đồng nhân dân tệ tiếp tục hạn chế room nới lỏng tiền tệ.
Số liệu cũng cho thấy thị trường việc làm của nước này hơi "xấu" đi khi tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc tăng lên 5,1% trong tháng 12/2023, từ mức 5,0% của tháng 11.
Nền kinh tế Trung Quốc khởi động năm 2024 trong tình trạng không ổn định, với áp lực giảm phát dai dẳng và xuất khẩu tăng nhẹ khó có thể tạo ra sự cải thiện nhanh chóng hoạt động sản xuất. Doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại tháng 12/2023 cũng khá yếu.
Thêm vào mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc là dân số nước này đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023. Tổng dân số Trung Quốc giảm 2,75 triệu người xuống còn 1,409 tỷ người vào năm 2023, mức giảm nhanh hơn năm 2022.