Trung Quốc: Áp lực giảm phát ngày càng tăng


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12, gia tăng áp lực giảm phát dai dẳng khi nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.

Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm phát ngày càng tăng.
Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm phát ngày càng tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12, gia tăng áp lực giảm phát dai dẳng khi nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, CPI đã giảm 0,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ và tăng 0,1% so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế được Reuters thăm dò trước đó là 0,4% và 0,2%.

NBS cho biết giá thịt lợn, yếu tố chính ảnh hưởng đến CPI so với cùng kỳ, đã giảm 26,1%. Tuy nhiên, lạm phát giá dịch vụ tăng đều với chi phí du lịch và chỗ ở khách sạn tăng lần lượt là 6,8% và 5,5%.

Trong khi đó, một chỉ số khác là giá bán của nhà sản xuất (PPI) đã giảm 2,7% so với cùng kỳ sau khi giảm 3% trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ 15 liên tiếp. Các chuyên gia phân tích đã dự đoán mức giảm 2,6% trong tháng 12.

Dữ liệu mới nhất nhấn mạnh sự yếu kém về nhu cầu trên toàn nền kinh tế, khiến các nhà hoạch định chính sách phải cảnh giác trước mọi kỳ vọng về việc giá giảm. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cam kết đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy giá cả phục hồi.

Với tình trạng suy thoái nhà ở kéo dài, thị trường việc làm yếu kém và những trở ngại khác như rủi ro nợ làm giảm triển vọng tăng trưởng, người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thắt chặt hầu bao của mình.

Năm ngoái, CPI cả năm tăng 0,2% và không đạt mục tiêu chính thức khoảng 3%. Điều đó cho thấy lạm phát thực tế thấp hơn mục tiêu hàng năm trong 12 năm liên tiếp.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc được cho là vẫn còn "mong manh" ngay cả khi một số dữ liệu cho thấy chuyển biến tích cực. Khảo sát khu vực tư nhân cho thấy các hoạt động nhà máy và dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 12, trái ngược với các chỉ số chính thức giảm, khiến các lời kêu gọi chính sách kích thích vẫn tiếp tục trong năm mới.

PBoC đã dỡ bỏ các khoản vay ngân hàng chính sách vào cuối năm ngoái thông qua cơ chế cho vay bổ sung đã cam kết (PSL), đã làm tăng kỳ vọng về việc tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở đang gặp khó khăn của đất nước này.

Đầu tuần này, truyền thông nhà nước dẫn lời Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC, cho biết ngân hàng trung ương sẽ sử dụng các công cụ chính sách, bao gồm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Vào tháng 10, Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139,39 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các dự án đầu tư và cam kết thực hiện chính sách tài khóa chủ động vào năm 2024, củng cố quan điểm của thị trường rằng chi tiêu tài khoá có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế.

Theo Đại Hùng/thoibaonganhang.vn