Sữa “độc“ tràn lan, người tiêu dùng hoảng sợ

Theo phapluatvn.vn

(Tài chính) Hai trong số những nhãn hiệu sữa được ưa thích nhất là Similac GainPlus Eye-Q và Dumex liên tiếp bị thông báo thu hồi vì nghi nhiễm độc đã khiến cho người tiêu dùng sốc.

Sữa “độc“ tràn lan, người tiêu dùng hoảng sợ
Tại thị trường Việt Nam vài năm gần đây, giá của mặt hàng sữa luôn tăng theo chiều thẳng đứng. Nguồn: internet

Ngày 5/8,  Công ty TNHH Danone Việt Nam gửi thông báo cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về  lô hàng sữa Dumex có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostrium Botulinum nhập khẩu từ Fonterra - New Zealand  và phân phối rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

Loại sữa được đề nghị  thu hồi là loại có nhãn hiệu Dumex Gold bước 2 loại 800g, số lô 300513R1 dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, do Công ty Danone Dumex (Malaysia) sản xuất ngày 30/5/2013. Số lượng sữa phải thu hồi đã nhập khẩu là 615 thùng (mỗi thùng 12 hộp) và có khoảng 190 hộp đã tung ra thị trường tiêu thụ.

Ai chịu trách nhiệm?

Đại diện Siêu thị Theo Saigon Co.op cho biết, hệ thống siêu thị Co.op Mart  chưa lấy bất kỳ lô hàng sản phẩm sữa nhãn hiệu Similac Gain Plus Eye-Q mới nào, vì vậy khách hàng yên tâm đem sữa bị nghi nhiễm độc tố đến những điểm đã mua để thu đổi. Một số siêu thị và nhà phân phối, cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh  đang thực hiện gấp rút việc thu hồi, đổi sữa bị nghi nhiễm chất độc.

Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ đường Gò Dầu, quận Tân Phú cho biết, khoảng hơn một năm nay con của chị sử  dụng loại sữa  Similac GainPlus Eye-Q, nay nghi thông báo bị thu hồi vì nghi nhiễm độc khiến cả nhà đều sốc. “Sữa bị nhiễm độc thì đã rõ, vấn đề con mình đã sử dụng hàng năm nay ảnh hưởng sức khỏe ra sao, tương lai thế nào cha mẹ không biết được và  ai sẽ chịu trách nhiệm về vụ sữa độc này?”- chị Lan bức xúc.

Tại thị trường Việt Nam vài năm gần đây, giá của mặt hàng sữa luôn tăng theo chiều thẳng đứng và liên tục, trong khi chất lượng thì ngày càng có vấn đề. Nhiều vụ việc sữa chất lượng kém hơn thành phần dinh dưỡng đã công bố trên bao bì của sản phẩm, sữa dê bổ dưỡng nhưng toàn là bột mì, một số nhãn sữa đấu trộn tại Việt Nam chứa một số chất không được phép sử dụng… bị phanh phui khiến cho người tiêu dùng sốc nặng.

Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, người tiêu dùng mặt hàng sữa đang hoang mang, hai sản phẩm sữa Similac và Dumex thuộc hàng “đẳng cấp”  nhưng còn có vấn đề về chất lượng, liệu những mặt hàng sữa nhập khẩu khác, nhất là loại sữa xách tay chất lượng ra sao, thì chất lượng thế nào.

Ba Bộ cùng “soi”

Liên quan đến vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn đang diễn ra, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Quang Trung cho hay, đến nay, cty Abbott đã thu hồi được 12.927 thùng Similac GainPlus Eye-Q (cho trẻ 1 đến 3 tuổi) và công tác thu hồi vẫn đang tiếp tục.

Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang triển khai rất nhiều biện pháp, trước mắt yêu cầu tất cả những Công ty nhập sữa, sản xuất sữa và các chế phẩm về sữa phải báo cáo về Cục nguyên liệu, cũng như sản phẩm nhập từ New Zealand, đặc biệt sản phẩm của công ty Fonterra. Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu tăng cường kiểm tra các loại vi khuẩn Clostridium Botulinum đã bị nhiễm ở New Zealand khi về đến Việt Nam.

Đối với các công ty, Cục yêu cầu phải khẩn trương thu hồi và báo cáo về Cục. Đặc biệt, với những sản phẩm thu hồi trên, Cục An toàn Thực phẩm đã chỉ đạo Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm tra và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Đồng thời, ông Trung khuyến cáo người dân phải xem kỹ số lô ở dưới đáy hộp để so sánh với số của 11 lô đã bị thu hồi. Trong trường hợp một số sản phẩm của các lô bị thu hồi ấy đã dùng rồi, thì cần phải theo dõi sức khỏe xem trẻ có bị ỉa chảy, có nôn hay không để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời, bởi vi khuẩn có trong sản phẩm trên gây ra ỉa chảy, nặng hơn có thể gây ra liệt cơ.

Còn ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, để “cấm cửa” các loại sữa có chứa chất độc hại vào Việt Nam, Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Quản lý thị trường, sẽ hợp tác với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường giám sát, xử lý.