Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế - Nhìn từ thực tiễn tỉnh Lào Cai
Là một tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế động lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, địa bàn tỉnh Lào Cai là điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt trụ sở hoặc chi nhánh hoạt động. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng phát triển quan hệ kinh tế quốc tế, các cơ quan quản lý ở Lào Cai cũng phải đối mặt với không ít hiện tượng tiêu cực phát sinh, trong đó nổi cộm là các hình thức gian lận thông qua hoạt động chuyển giá. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, tới đây, cần bổ sung một số điều về chống chuyển giá khi sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, bao gồm cả quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA).
Đến nay, Lào Cai đã thu hút được trên 30 dự án FDI hoạt động hợp lệ, với tổng vốn đăng ký trên 334 triệu USD và vốn thực hiện đạt gần 114 triệu USD. Đến đầu tư tại Lào Cai chủ yếu là các DN Trung Quốc và tập trung vào thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng và Bắc Hà. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh mới có 3 đơn vị lớn, kinh doanh có hiệu quả đó là: Công ty TNHH khoáng sản luyện kim Việt Trung; Công ty liên doanh khách sạn Quốc tế Lào Cai và Công ty khách sạn Victoria Sa Pa. Còn đa phần các DN FDI khác có quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả.
Ngoài khối DN ngoại, Lào Cai cũng là nơi thu hút các tập đoàn, các tổng công ty lớn trong nước đến đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, lớn nhất là Tổng công ty hoá chất Việt Nam đầu tư khai thác sản xuất chế biến quặng Apatít; Tổng công ty khoáng sản Việt Nam đầu tư dự án khai thác và chế biến tinh quặng đồng; Tổng công ty thép Việt Nam đầu tư vào dự án khai thác và chế biến tinh quặng sắt. Tất cả các DN này đều đặt nhà máy khai thác và chế biến tại Lào Cai, nhưng sản phẩm lại không tiêu thụ tại đây mà bán về cho tổng công ty theo giá nội bộ (giá giao khoán), được quy định bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất của các nhà máy - công ty con.
Ngay từ khi các công ty con thuộc các tổng công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào SXKD, phát sinh doanh thu tiêu thụ sản phẩm, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã nhận thấy có hiện tượng chuyển giá trong nội bộ DN. Theo quy định, giá tính thuế tài nguyên là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác. Tuy nhiên, các tổng công ty này lại quyết định giao khoán, định giá bán sản phẩm cho các đơn vị trực thuộc theo giá nội bộ. Dựa vào quyết định đó, các đơn vị phụ thuộc đã kê khai thuế tài nguyên theo giá bán sản phẩm cho tổng công ty, sau đó tổng công ty làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Trên sổ sách là vậy, nhưng thực chất, hàng hoá không được chuyển về tổng công ty để chế biến, mà vẫn do các đơn vị trực thuộc vận chuyển sang cửa khẩu Trung Quốc. Khảo sát thực tế tại Công ty mỏ tuyển đồng Sinh Quyền, Cục Thuế Lào Cai nhận thấy giá xuất khẩu của tổng công ty chênh so với giá bán nội bộ là 7.018.276 đồng/tấn. Khảo sát tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng thấy có hiện tuợng giá xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai của Tổng công ty thép Việt Nam chênh so với giá bán của Công ty khoáng sản luyện kim Việt Trung bán cho Tổng công ty thép là 290.000 đồng/tấn.