Sửa đổi quy định để thúc tiến độ cổ phần hóa
(Tài chính) Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới, Chính phủ đã điều chỉnh theo hướng giao các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước chỉ đạo DN cổ phần hóa thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ (phải thu, phải trả) đến thời điểm xác định giá trị DN theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định theo hướng mở, tạo điều kiện cho DN thực hiện nhanh chóng cổ phần hóa.
Chấp thuận cả công nợ chưa được đối chiếu
Sửa một số vướng mắc để tăng tốc cổ phần hóa DNNN, Nghị định 189/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là một trong những văn bản quan trọng được giới DN chờ đón nhất trong năm 2013.
Về đối chiếu công nợ khi xác định giá trị DN, theo phân tích của một chuyên gia tại Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Nghị định 189 quy định trong một số trường hợp do thời điểm cổ phần hóa không trùng với thời điểm kiểm kê khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, DN quy mô lớn, đối tượng công nợ nhiều, không kịp đối chiếu hết thì DN cổ phần hóa phải báo cáo các bộ, địa phương xem xét, xử lý theo một số hướng sau:
Đến thời điểm xác định giá trị DN có thể chấp thuận một số khoản công nợ có đầy đủ hồ sơ chưa được đối chiếu, xác nhận thì Hội đồng thành viên DN cổ phần hóa phải giải trình rõ nội dung các khoản nợ, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan phải hoàn tất việc đối chiếu công nợ trước thời điểm DN cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN xem xét, quyết định theo giá trị đang theo dõi trên sổ sách kế toán. Đồng thời phải công bố công khai trong quyết định phê duyệt giá trị DN cũng như phương án cổ phần hoá làm cơ sở bán đấu giá cổ phần.
Tại thời điểm DN cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, khi lập báo cáo tài chính để bàn giao từ DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, nếu các khoản công nợ này vẫn chưa được đối chiếu, xác nhận thì xem xét, xử lý theo hướng: Đối với nợ phải trả DN đã làm đủ thủ tục đối chiếu nợ nhưng không xác nhận được chủ nợ thì được hạch toán ghi tăng vốn nhà nước tương ứng và công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi chủ nợ yêu cầu. Căn cứ hồ sơ tài liệu hợp pháp liên quan và yêu cầu của chủ nợ, công ty cổ phần mới thực hiện trả nợ và hạch toán vào chi phí trong kỳ.
Đối với nợ phải thu DN đã làm thủ tục đối chiếu nhưng vẫn chưa đối chiếu được thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm bồi thường đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Giá trị khoản nợ còn lại (sau khi bù trừ khoản bồi thường của các cá nhân, tập thể, quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN cổ phần hóa. Công ty cổ phần mới có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, tiếp tục kế thừa, theo dõi để đôn đốc thực hiện thu nợ.
Gỡ khó vì có DN lên tới hàng nghìn món nợ
Theo quy định Nghị định 59/2011/NĐ-CP trước đó, DN cổ phần hoá phải tiến hành đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị DN và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi theo đúng chế độ Nhà nước đã quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì việc đối chiếu toàn bộ công nợ là khó khăn, các DN hiện nay chỉ đối chiếu được khoảng 60- 70%, do vậy quy định đối chiếu toàn bộ công nợ sẽ làm chậm tiến độ cổ phần hóa của DN. Về nguyên tắc, quy định này là phù hợp vì theo cơ chế quản lý tài chính hiện hành thì DN phải thực hiện đối chiếu công nợ thường xuyên, định kỳ khi kết thúc năm tài chính (không chỉ khi cổ phần hóa).
Đây là quy định rất khó cho DN phải đẩy nhanh thực hiện trong thời gian ngắn vì khối lượng công việc rất lớn khi có DN có tới hàng nghìn món nợ.
Theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 DN, trong đó cổ phần hóa: 3.659 DN; Chuyển thành Công ty TNHH 1 thành viên: 1.033 DN; Giao DN: 222 DN; Bán DN: 158 DN; Giải thể: 313 DN; Phá sản: 92 DN; Chuyển thành Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: 22 DN; Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…): 877 DN.
Hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Theo báo cáo của 3.576 DN sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi về Bộ Tài chính, 85% các DN có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% DN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; 86% DN đóng góp vào NSNN của năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa.