Sửa Luật Thuế TNCN: Đại biểu lo hụt thu ngân sách

Minh Anh (Báo Hải quan)

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 5/1 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), nhiều ý kiến đồng tình với phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh như đề xuất của Chính phủ.

 Sửa Luật Thuế TNCN: Đại biểu lo hụt thu ngân sách
Đại biểu Trần Đình Long (Đắc Nông)

Tuy nhiên cũng có nhiều đại biểu Quốc hội  bày tỏ băn khoăn vì tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng đồng nghĩa với việc hụt thu ngân sách và Luật thuế TNCN lại trở thành thuế thu nhập cao.

Tán đồng tăng mức giảm trừ gia cảnh

Hầu hết các đại biểu tại đoàn TP.HCM đều đồng tình với phương án Chính phủ trình. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tán thành mức khởi điểm giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng và nuôi 1 người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng. “Mức tiền như hiện giờ ở TP. HCM, một gia đình 20 triệu cũng chỉ đủ ăn thôi!”, đại biểu nhấn mạnh. Điều mà đại biểu tỏ ra băn khoăn đó là thuế TNCN đối với ca sĩ. Chúng ta không quản được nên thất thoát đối với đối tượng này và không quản lý được dẫn đến bất công giữa các đối tượng nộp thuế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ đồng tình với các đại biểu đồng thời cho rằng là cải cách lớn khi Chính phủ đề xuất trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến đổi hơn 20% thì Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội điều chỉnh mức thuế TNCN.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, cách đây 3 năm, chúng ta tính toán chưa hết nên quy định như hiện hành và hiện nay phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.  Do đó, vấn đề là mức nào cho phù hợp, quan trọng là dự báo phải sát, để tránh Luật vừa có hiệu lực đã lạc hậu.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (đại biểu QH tỉnh Hà Nam), việc giảm trừ tối đa các loại phí, thuế cho người lao động là chủ trương tốt. Phó Chủ tịch nước bày tỏ ủng hộ về chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên nếu xây dựng không sát sẽ mất nguồn thu vào ngân sách. Điều này hết sức quan trọng trong bối cảnh ngân sách sẽ giảm khoảng 5.200 tỷ đồng (năm 2013 theo báo cáo của Chính phủ) khi Luật có hiệu lực.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) việc sửa thuế TNCN lần này là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng chung của toàn xã hội. Tại thời điểm này, mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp và sát với thực tế người lao động.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đồng ý với dự thảo Luật và cho rằng, ở thành thị mức 9 triệu đồng không đủ sống, trong đó có các chi phí học hành lớn, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Khi Luật có hiệu lực sẽ giảm nguồn thu lớn nhưng so với việc làm tăng mức sống cho khoảng 4 -5 triệu người hưởng lợi từ chính sách thì có thể chấp nhận được.

Có thu nhập thì đóng góp cho NSNN

Khác với ý kiến các đại biểu nêu trên, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) bày tỏ băn khoăn khi mức giảm trừ lớn quá trong điều kiện ngân sách khó khăn. Trong năm 2012 dự đoán tốc độ tăng trưởng không đạt như kế hoạch đề ra, trong khi đó sức ép phải tăng lương cơ bản theo lộ trình trong năm 2013, ngân sách sẽ hụt khoảng hơn 20.000 tỷ. Cùng với đó nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ khiến ngân sách hụt khoảng 5.200 tỷ là những yếu tố các đại biểu Quốc hội cần phải tính toán, cân nhắc vì sợ ngân sách không “chịu” nổi, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Đồng Hữu Mạo, đại biểu Trần Đình Long (Đắc Nông) cho rằng, sau khi điều chỉnh, thuế TNCN sẽ trở thành thuế thu nhập cao và thu hẹp số lượng người đóng thuế. Với mức giảm trừ gia cảnh hiện nay thì có 3,7 triệu người đóng thuế, trong đó riêng bậc khởi điểm có trên dưới 2 triệu người với mức đóng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng. Nay nâng lên chỉ còn khoảng 1 triệu người đóng thuế là quá ít.

“Trong khi đó thuế TNCN là thuế phải huy động mọi người đóng góp và cứ phát sinh thu nhập là phải chịu thuế. Nếu điều chỉnh quá cao thì không còn phù hợp với bản chất thuế TNCN mà là trở lại là thuế thu nhập cao. Đại biểu QH không phải không vì dân, mà phải vì 87 triệu người dân, có nghĩa đóng thuế vào ngân sách quay trở lại sẽ chi cho phát triển kinh tế- xã hội và cho an sinh xã hội”, đại biểu Trần Đình Long nhấn mạnh.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Trần Đình Long, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), để đại biểu có nhiều phương án lựa chọn, Ban soạn thảo cần lập bảng biểu, từ mức 5-9 triệu đồng thì mức tác động tương ứng như thế nào, bao nhiêu người đóng thuế và tác động đến NSNN như thế nào để các đại biểu Quốc hội cân nhắc xem xét cho phù hợp, vừa không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chỉ chiếm 4,4% dân số cả nước). Nếu theo hướng sửa đổi của Luật thì chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập.

Đánh giá tác động vào ngân sách: Năm 2013 giảm thu NSNN khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014 giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng, sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.