Sức mạnh của lĩnh vực "kinh tế bạc" tại Trung Quốc
Thực tế đã và đang chứng minh, thay vì bị tụt hậu về công nghệ, thế hệ người cao niên Trung Quốc đang nắm bắt khá nhanh các ứng dụng công nghệ.
Giống như nhiều người dân Trung Quốc, điện thoại thông minh đã trở thành một vật bất ly thân của ông Xu Chang. Một ngày của người đàn ông này không thể thiếu được việc lướt qua các trang web, cũng như các ứng dụng thương mại điện tử được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Chưa hết, ông Xu trò chuyện với bạn bè thông qua WeChat - một ứng dụng nhắn tin rất phổ biến tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn có thể kiểm tra tình trạng giao thông của Bắc Kinh thông qua ứng dụng bản đồ Gaode.
Và nếu như ngại ra đường tìm đồ ăn, ông Xu hoàn toàn có thể ngồi ở nhà, đặt đồ qua các ứng dụng giao đồ ăn rất phổ biến trên mạng Internet.
Việc sử dụng điện thoại thông minh, cũng như các ứng dụng thương mại điện tử không còn xa lạ tại Trung Quốc. Nhưng điều thú vị là ông Xu Chang - là một người đã về hưu và ở độ tuổi 80.
Cuộc đời ông Xu đã chứng kiến Trung Quốc từ đất nước nghèo đói vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với phần lớn dân số đang hòa mình vào thời đại công nghệ.
Hiện đã có 890 triệu người dùng ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động trên khắp Trung Quốc. Ở thành thị, nhiều người gần như hoàn toàn không còn sử dụng tiền mặt. Tốc độ thay đổi này nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến hơn.
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên đã đạt tới con số 166,6 triệu người vào năm 2019. Trong khi đó, sự chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước diễn ra quá nhanh chóng.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng nhiều người già - vốn là những người ít có khả năng thích ứng với công nghệ mới, sẽ khó mà bắt kịp được đà tăng trưởng của đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng trong hơn 4 triệu ứng dụng trên điện thoại di động hiện có tại Trung Quốc, có rất ít ứng dụng dành riêng cho người già. Và tầng lớp người già có thể bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, thay vì bị tụt hậu về công nghệ, thế hệ người cao niên Trung Quốc đang nắm bắt khá nhanh các ứng dụng công nghệ. Các kết quả điều tra xã hội học đã coi đây là một xu hướng có thể giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề lão hóa đang trở nên ngày một cấp bách.
Theo một báo cáo vừa được Tencent Holding công bố, trên khắp Trung Quốc, hiện có khoảng 63 triệu người từ 55 tuổi trở lên sử dụng ứng dụng WeChat. Mặc dù con số này có vẻ ấn tượng, tuy nhiên, người cao niên Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 6% số người dùng hàng tháng của WeChat.
Trong một nghiên cứu riêng biệt khác, Tencent đã phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số 800 người cao niên Trung Quốc được khảo sát sử dụng WeChat Pay hoặc các ví điện tử khác trong khi tỷ lệ người cao tuổi có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến hoặc tư vấn y tế trực tuyến lại thấp hơn.
Trong những nỗ lực để đưa công nghệ tới gần hơn với từng nhóm người dùng cụ thể, đặc biệt là người trung và cao niên, một số công ty công nghệ tại Trung Quốc hiện đang thiết kế các sản phẩm dành riêng cho thị trường đặc biệt này.
Ngoài việc xây dựng các ứng dụng riêng biệt, tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding gần đây đã bắt đầu đào tạo tiếng địa phương cho các lập trình viên, giúp các lập trình viên này hiểu tiếng để có thể xây dựng nên các ứng dụng với ngôn ngữ địa phương, giúp người cao tuổi có thể điều khiển các thiết bị gia dụng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Việc này đã nhận được sự ủng hộ hết sức của chính quyền các địa phương, chẳng hạn tại Ninh Ba - một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang, chính quyền địa phương đã tuyên bố rằng họ sẽ giúp ít nhất 20.000 người cao niên làm chủ việc sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng việc người già được trợ giúp để sử dụng công nghệ điện tử có thể mang lại những lợi ích hữu hình cho xã hội cũng như nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường dịch vụ với người cao tuổi vô cùng tiềm năng, được truyền thông nhà nước coi như "nền kinh tế bạc" của nước này.