Suy thoái toàn cầu cản trở quá trình thực hiện Basel 3

Hoàng Thế Thỏa

Hiệp ước Basel lần thứ ba (gọi là Basel 3) được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng thông qua vào năm 2010 với lộ trình thực hiện là 3 năm (2013-2015), nhưng phải gia hạn đến năm 2019 do suy thoái toàn cầu kéo dài. Hơn nữa, Basel 3 là tiêu chí điều chỉnh tự nguyện, các ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh các quy định về ngân hàng tùy theo tình hình thực tế của mỗi nước.

Suy thoái toàn cầu cản trở quá trình thực hiện Basel 3
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Basel 3 đang bị các ngân hàng phê phán (kể cả các ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu) với lập luận cho rằng, quy định đưa ra tại Basel 3 sẽ gây tổn thương cho các ngân hàng và nền kinh tế, việc tăng vốn dự phòng đối với tài sản cầm cố và tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ sẽ gây thương tổn cho các ngân hàng nhỏ.

Theo ước tính của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế OECD, việc áp dụng Basel 3 sẽ giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,05-0,15%/năm. Basel 3 cũng bị phê phán là tác động tiêu cực đến tính ổn định của hệ thống tài chính, do nó thúc đẩy các ngân hàng liều lĩnh hơn, không xử lý được nguyên nhân của khủng hoảng.

Sau ý kiến đóng góp của các ngân hàng và tổ chức quốc tế, ngày 06/01/2013, Ủy ban Basel đã nới lỏng thời hạn thực hiện đến năm 2019, đồng thời giảm nhẹ các quy định về vốn và mở rộng các khái niệm về tài sản thanh khoản. Tuy nhiên, tranh cãi chưa phải đã kết thúc.

Gần đây, các ngân hàng tại châu Âu (trong đó có Tập đoàn Tín dụng Thụy Sĩ – CSGN, BNP Paribas SA, Deutsche Bank AG) đã gửi thư lên Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng với nội dung là bày tỏ sự lo ngại về quy định thắt chặt chứng khoán hóa tiền mặt, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2014. Đây là thao tác kỹ thuật, trong đó các ngân hàng chia nhỏ các khoản vay và bán cho các nhà đầu tư. Cách làm này cũng được áp dụng trong việc chia nhỏ dự án để “lách luật” và thu hút ngân hàng khác cùng hùn vốn cho vay, gọi là tài chính cơ cấu.    

Chứng khoán hóa tiền mặt là cách làm truyền thống, cho phép ngân hàng giảm lượng vốn dự phòng rủi ro tài sản. Cụ thể là, tài sản ở lại bảng cân đối của ngân hàng, giải phóng thêm nguồn vốn và cho phép ngân hàng mở rộng cho vay. Trong các hợp đồng giả, các ngân hàng giữ lại các tài sản và mua bảo hiểm dự phòng tổn thất do các nhà đầu tư gây ra, thường là dưới hình thức hoán đổi vỡ nợ tín dụng.

Lý do để Ủy ban Basel đưa ra quy định khắt khe này bắt nguồn từ thực tế là, việc sử dụng rộng rãi các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường cầm cố ở Mỹ đã dẫn đến khủng hoảng tài chính, khi rủi ro từ ngân hàng lan sang khu vực ngân hàng ngầm. Vì thế, Ủy ban Basel đã đưa ra đề xuất vào ngày 18/12/2012, bắt buộc các ngân hàng và các công ty tài chính, thương mại phải tăng vốn để dự phòng rủi ro đối với phần vốn góp đã chứng khoán hóa, nhất là những tài sản nhạy cảm về rủi ro và kỳ hạn.

Các ngân hàng cho rằng, kế hoạch này sẽ buộc các ngân hàng phải nắm giữ thêm vốn dự phòng rủi ro khi chia nhỏ tài sản, làm tăng chi phí giao dịch tài chính, thui chột động lực của các ngân hàng trên thị trường vốn. Việc áp đặt quy định tăng vốn dự phòng tài sản chứng khoán hóa có thể dẫn tới hậu quả không mong muốn là thui chột động lực của các ngân hàng trên các thị trường chứng khoán, làm suy giảm tín dụng và tính thanh khoản trên toàn cầu, khi các ngân hàng phải thắt chặt nguồn vốn và cắt giảm tín dụng cho nền kinh tế. 

Theo BNP Paribas, cách tiếp cận của Ủy ban Basel được dựa trên giả thiết sai lầm là các thị trường chứng khoán đã hoạt động kém trong thời kỳ khủng hoảng, khi phần lớn thua lỗ giới hạn trong tài sản cầm cố dưới chuẩn. Quy định đánh đồng này có thể gây tác hại cho những tài sản chất lượng cao, nếu cũng phải dự phòng như tài sản chất lượng thấp, các ngân hàng sẽ tiếp tục phải lệ thuộc vào tín dụng từ Ngân hàng Trung ương để cho vay, và hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nếu không thay đổi, đề xuất này sẽ giảm đáng kể động lực của các ngân hàng khi tham gia việc chứng khoán hóa như các nhà đầu tư, nó có thể gây tác hại trầm trọng cho thị trường chứng khoán và tín dụng đối với nền kinh tế.

Trước những vấn đề nêu trên, Ủy ban Basel sẽ phải nghiên cứu tác động của việc chứng khoán hóa các khoản cho vay và đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp vào tháng sáu tới. Nghĩa là, phần lớn các quy định Basel 3 vẫn nằm trên giấy.