Tác động của đầu tư công đến thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào Ninh Thuận

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 9/2020

Ninh Thuận nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung bộ, có nhiều thuận lợi về giao thông, vùng nguyên liệu và đặc biệt là nguồn lao động dồi dào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những năm gần đây Ninh Thuận được nhiều nhà đầu tư quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, đến nay Ninh Thuận vẫn có nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân. Để nâng cao khả năng thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, Ninh Thuận cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm tiền đề để thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Tình hình đầu tư công ở Ninh Thuận

Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam nói chung, ở tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Đầu tư công không chỉ đóng góp trực tiếp vào GDP mà còn thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển thông qua các hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm…

Theo Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn giải ngân kế hoạch năm 2020 đến ngày 15/6/2020 là 283.566 triệu đồng/2.041.417 triệu đồng, đạt 13,9% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết, trong đó: Vốn trong nước: 280.709 triệu đồng/1.242.206 triệu đồng, đạt 22,6% kế hoạch đã phân bổ chi tiết; Vốn nước ngoài: giải ngân 2.857 triệu đồng/799.211 triệu đồng, đạt 0,4% kế hoạch.

Theo Báo cáo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) của UBND tỉnh Ninh Thuận (2019), nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư công tỉnh Ninh Thuận đã thúc đẩy các hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ như: Điện, đường, trường, trạm…Cụ thể như sau:

Tiến độ thực hiện các công trình

Tổng số công trình triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 thực hiện 126 công trình do cấp tỉnh quản lý, gồm 47 công trình chuyển tiếp từ năm 2015 sang và 79 công trình khởi công mới, trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 51 công trình (chuyển tiếp 24 công trình, khởi công mới 38 công trình), Chương trình mục tiêu 25 công trình (chuyển tiếp 17 công trình, khởi công mới 12 công trình); vốn trái phiếu Chính phủ 20 công trình khởi công mới, vốn ODA 10 công trình (chuyển tiếp 6 công trình, khởi công mới 9 công trình) và các công trình có quy mô nhỏ đầu tư từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến cuối năm 2019 hoàn thành 87 công trình, dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 19 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số công trình hoàn thành đến cuối năm 2020 lên 106 công trình và 20 công trình chuyển tiếp sang năm 2021 là cơ bản đáp ứng theo tiến độ đề ra.

Hiệu quả đầu tư

Các công trình được triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đều phát huy được hiệu quả, không có công trình nào đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng hoặc dừng thi công dở dang, trong đó:

- Hạ tầng giao thông: Trong giai đoạn 2016-2020, bằng nhiều nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, Ninh Thuận đã hoàn thành đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối để khai thác lợi thế về hạ tầng sân bay, cảng biển của các tỉnh trong vùng; nhiều công trình có quy mô lớn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với hơn 87 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện; phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải hoàn thành trên 66 km đường giao thông thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 đoạn qua Ninh Thuận, góp phần nâng mật độ giao thông đến cuối năm 2019 đạt 0,42 km/km2, tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã được lưu thông thông suốt quanh năm, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông.

- Hạ tầng thủy lợi: Thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi trọng điểm theo hướng đa mục tiêu nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc các vùng khô hạn, giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã đầu tư 3 hồ chứa nước với dung tích 304,2 triệu m3, dự kiến 3 hồ hoàn thành sẽ nâng tổng dung tích các hồ chứa khoảng 499 triệu m3; đầu tư đồng bộ 155,2 km kênh mương cấp II, III góp phần phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập sau đầu tư; tăng thêm diện tích tưới 10.418 ha...

- Hạ tầng giáo dục và đào tạo: Trong các năm 2016 – 2020, Tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 752 phòng học, dự kiến đến cuối năm 2020 có 105/226 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 46,5% và 18/87 trường mầm non, đạt 20,7%. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đều đã có trường mầm non và có từ 1 đến 2 trường tiểu học; hệ thống trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu; xã hội hóa về giáo dục có chuyển biến tích cực.

- Hạ tầng y tế: Tỉnh đã đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Tỉnh lên quy mô 800 giường, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, nâng cấp các Trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa khu vực, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh tại chỗ cho nhân dân. Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 56 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 13 xã, phường so năm 2016; có 29 giường bệnh/10.000 dân, tăng 3,6 giường so năm 2016.

Tình hình thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư tại Ninh Thuận

Nhờ "lực đẩy" mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư công, đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2020), huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 (theo giá hiện hành) ước đạt 24.839,3 tỷ đồng, tăng 79,1% so cùng kỳ, trong đó, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 17.433,2 tỷ đồng, chiếm 70,2% và tăng 121,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.112,3 tỷ đồng, chiếm 16,5% và tăng 115,3%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2019 có 1 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 77,27 triệu USD, giảm 6 dự án và giảm 75,6% về vốn đăng ký so với năm 2018.

Các thành phần kinh tế tư nhân đến đầu tư tại Ninh Thuận thể hiện ở số lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân liên tục gia tăng trên địa bàn Tỉnh. Theo Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2020), năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp có số DN thành lập mới tăng cao, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước (529 DN), cao nhất từ trước đến nay; nâng tổng số đến ngày 31/12/2019 có 3.164 DN đang hoạt động, tổng vốn 52.243 tỷ đồng, bình quân 16,4 tỷ đồng/01 DN, tăng 1,7 lần so năm 2015. Số DN gia nhập thị trường một số lĩnh vực có tỷ lệ tăng cao như: Sản xuất điện tăng 77,7%; xây dựng, kinh doanh bất động sản tăng 42,7%; sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 30,7%; bán buôn, bán lẻ tăng 15,2%... Số người dân của tỉnh/DN được rút ngắn nhanh hơn. Nếu như năm 2015, Ninh Thuận có 280 người dân/DN, thì đến nay còn 186 người dân/DN (cả nước 134 người dân/DN). Hoạt động của DN trên địa bàn Tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế; đóng góp khoảng 77% tổng thu ngân sách, trên 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tỉnh đã có 1 làn sóng đầu tư mới, thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản... Trong năm 2019, Tỉnh đã cấp phép 34 dự án với tổng vốn 24.253 tỷ đồng, trong đó, quyết định chủ trương đầu tư 22 dự án/10.969 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương địa điểm 12 dự án/13.284 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quy mô lớn đang tích cực triển khai thực hiện.

Một số vấn đề đặt ra

Dù những số liệu thống kê nêu trên là khá khả quan nhưng nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư tư nhân của Ninh Thuận vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Một trong số những nguyên nhân là do tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung vẫn còn chậm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 với bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19, toàn Tỉnh mới chỉ giải ngân được 365,280 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch vốn đã phân bổ, đạt mức thấp so với trung bình của cả nước là 27,9% (UBND tỉnh Ninh Thuận, 2020b). Nhìn chung, trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như: (i) Nguồn vốn đầu tư phát triển của Tỉnh hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách trung ương; (ii) Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ năm 2016 đến nay chưa được Trung ương giao nên một số dự án kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn đã triển khai đang khó khăn về nguồn vốn để đầu tư hoàn thành; (iii) Nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án ODA đang triển khai giai đoạn 2016-2020 là khá lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ đối ứng của Trung ương và ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa đáp ứng kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA; (iv) Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay nên việc triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA bị gián đoạn, không có khối lượng…

Vì vậy, để nâng cao khả năng thu hút các thành phần kinh tế tư nhân, một trong những điều kiện quan trọng, đó là Ninh Thuận cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm tiền đề để thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Cụ thể:

- Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm tục, hiệu quả Kế hoạch số 1347/KH-UBND và Công văn số 1998/UBND-KTTH của UBND Tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg và Văn bản số 622/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

- Chỉ đạo Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương, làm việc với Bộ Tài chính, nhà tài trợ để được phê duyệt kế hoạch giải ngân chi tiết kế hoạch năm 2020, chậm nhất đến tháng 7/2020 tất cả các dự án đều được phê duyệt kế hoạch giải ngân.

Đồng thời, tập trung đôn đốc tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đối với các dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công. Đối với các dự án khởi công mới nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt dự án để đáp ứng điều kiện giao kế hoạch vốn; đối với các dự án đã giao kế hoạch vốn khẩn trương khởi công xây dựng bảo đảm đến ngày 30/9/2020 giải ngân ít nhất 60% trở lên.

- Yêu cầu các chủ đầu tư có công trình hoàn thành, công trình chuyển tiếp khẩn trương hoàn tất thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí đối với thanh toán công trình hoàn thành và giải ngân theo tiến độ đối với các dự án chuyển tiếp. Yêu cầu Chi cục Thủy lợi và đơn vị thi công khẩn trương hoàn tất hồ sơ thiết kế, dự toán để giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí. 

- Nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng của từng dự án để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, hiệu quả bảo đảm đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nguồn vốn, nhất là các dự án trọng điểm hoặc các dự án quy mô lớn, giải ngân đạt thấp.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác đấu thầu, đảm bảo các điều kiện khởi công mới các dự án được giao kế hoạch vốn đầu năm 2020.

- Tập trung rà soát tiến độ giải ngân từng dự án, thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án dự kiến đến ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020.

 

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Ninh Thuận (2019),Văn bản số 5194/UBND-TH ngày 25/12/2019 Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025;

2. UBND tỉnh Ninh Thuận (2020), Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020, tháng 6/2020;

3. Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2020), Niên giám thống kê năm 2019, NXB Thống kê.