Tác động của Fintech đối với hệ thống ngân hàng bán lẻ tại tỉnh Đồng Nai
Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính đang trở thành xu hướng chính trên thị trường tài chính toàn cầu hiện nay. Đây là nền tảng quan trọng để các công ty công nghệ tài chính có thể phát triển các sản phẩm số nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quy trình xây dựng, vận hành doanh nghiệp cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với lợi thế được thừa hưởng các thành tựu từ tiến bộ công nghệ, các hệ thống ngân hàng bán lẻ tại tỉnh Đồng Nai có nhiều cơ hội phát triển những sản phẩm kinh doanh có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ. Bài viết phân tích thực trạng phát triển của các công ty công nghệ tài chính tại tỉnh Đồng Nai, từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm tăng cường hiệu quả của lĩnh vực này đối với hệ thống ngân hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đặt vấn đề
Thuật ngữ công nghệ tài chính (Fintech) được bắt đầu sử dụng ngay từ những năm của thập kỷ 90 do Tập đoàn Citigroup của Mỹ khởi xướng với việc thành lập “Hiệp hội Công nghệ Dịch vụ Tài chính”
với mục đích tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác về công nghệ tài chính. Fintech được coi là lĩnh vực kinh tế mới đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những thay đổi này đã tạo nên tác động to lớn, mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động của các tổ chức tài chính, thị trường tài chính, các hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính và cả cơ quan quản lý nhà nước (Đỗ Quang Trị, 2022).
Là tỉnh trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Đồng Nai có hoạt động kinh tế năng động bậc nhất của nước ta hiện nay với dân số hơn 3 triệu người, trong đó dân số trẻ chiếm gần 60%. Dân số đông và sự phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi góp phần đưa thị trường bán lẻ trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp, trong đó có hệ thống các ngân hàng bán lẻ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ số, thì việc ứng dụng Fintech vào hoạt động ngân hàng bán lẻ tại tỉnh Đồng Nai được coi là một hoạt động cốt lõi có tác dụng đẩy nhanh quá trình luân chuyển tiền tệ, tận dụng tiềm năng to lớn về vốn của các thành phần kinh tế để cho vay cải thiện đời sống dân cư, hạn chế thanh toán tiền mặt, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng Fintech trong hoạt động của hệ thống ngân hàng bán lẻ tại tỉnh Đồng Nai thời gian qua còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến từ việc gian lận tài chính, lỗi hệ thống, tội phạm công nghệ ăn cắp dữ liệu...
Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích thực trạng sử dụng Fintech tại hệ thống ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ứng dụng Fintech tại hệ thống ngân hàng bán lẻ tốt sẽ giúp hệ thống ngân hàng bán lẻ tại tỉnh Đồng Nai mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đa dạng hóa hoạt động và sản phẩm, phát triển mạng lưới khách hàng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách quản lý được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng Fintech tại hệ thống ngân hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
Cơ sở lý luận
Ngân hàng bán lẻ
Thuật ngữ ngân hàng bán lẻ xuất phát từ gốc tiếng Anh “Retail banking” hiện đang là xu hướng phổ biến trong hoạt động ngân hàng cùng với sự phát triển của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là hoạt động hướng đến thị trường bán lẻ, bên cạnh mảng khách hàng là doanh nghiệp lớn và tổ chức tài chính.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngân hàng bán lẻ là nơi khách hàng cá nhân có thể đến giao dịch tại những điểm giao dịch của ngân hàng để thực hiện các dịch vụ như: Gửi tiền tiết kiệm và kiểm tra tài khoản, thế chấp vay vốn, dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và các dịch vụ khác đi kèm.
Theo Phan Thị Thu Hà (2013), ngân hàng bán lẻ là ngân hàng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình hay doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới chi nhánh hoặc việc các khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua phương tiện thông tin, điện tử viễn thông.
Công nghệ tài chính
Thuật ngữ “Fintech” mô tả việc sử dụng công nghệ nhằm tự động hóa việc cung ứng và sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó đáp ứng tốt hơn cho các giao dịch tài chính và thương mại (Dương Tấn Khoa, 2019). Trong khi đó, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) định nghĩa Fintech là “đổi mới tài chính dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ hướng tới tạo ra các mô hình kinh doanh, quy trình, ứng dụng hoặc sản phẩm mới có tác động quan trọng đối với thị trường và tổ chức tài chính cũng như việc cung cấp các dịch vụ tài chính” (Thakor, 2019).
Theo nghĩa rộng hơn, Fintech được coi là một thị trường mới tích hợp tài chính và công nghệ (Arner và cộng sự, 2015), đồng thời thay thế các cấu trúc tài chính truyền thống bằng các quy trình dựa trên công nghệ mới (Hochstein, 2015). Fintech hay công nghệ tài chính, bao gồm tất cả những tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực tài chính, cả những đổi mới trong kiến thức và giáo dục về tài chính, ngân hàng bán lẻ, đầu tư và cả tiền mã hóa. Thông thường các công ty Fintech được chia thành 2 nhóm chính:
- Nhóm 1: Các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số nhằm nâng cao cách các cá nhân vay mượn, tài trợ vốn cho doanh nghiệp mới thành lập, quản lý tiền bạc.
- Nhóm 2: Các công ty thuộc dạng “bank-office”, chuyên hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính (Nguyễn Minh Nhật & cộng sự, 2022).
Nhìn chung, công ty Fintech là các doanh nghiệp ứng dụng thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tạo ra các dịch vụ tài chính mới tốt hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điểm nổi trội của công ty Fintech trên thị trường dịch vụ tài chính nằm ở tốc độ thanh toán nhanh (các khoản thanh toán ngang hàng), thuận tiện trong quản lý tài chính cá nhân, khả năng tiếp cận khoản vay (tài trợ cộng đồng, gọi vốn cộng đồng). Bên cạnh đó, công ty Fintech cũng mang đến nhiều lợi ích cho ngân hàng, doanh nghiệp và người sử dụng như: (i) Giảm chi phí tìm kiếm của các bên giao dịch phù hợp; (ii) Đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trong thu thập và khai thác dữ liệu lớn; (iii) Giao dịch trở nên an toàn hơn và rẻ; (iv) Giảm chi phí xác minh (Thakor, 2019).
Thực trạng phát triển Fintech tại Đồng Nai
Từ năm 2008, những công ty Fintech đầu tiên đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động, chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán. Đến nay, sau gần 15 năm, hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Stastista cho thấy, nếu như năm 2017 chỉ có 94 công ty Fintech được cấp phép thì đến năm 2022 đã lên tới 176. Các công ty Fintech chủ yếu hoạt động ở mảng thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng, còn những mảng khác vẫn trong quá trình sơ khai như: Dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động... Về người dùng, nếu như năm 2017, số lượng người dùng Fintech đạt khoảng 27 triệu người, thì năm 2022 đã lên tới gần 69 triệu người, gấp gần 3 lần so với năm 2017. Các con số này cho thấy tiềm năng cũng như sự tăng vượt bậc của thị trường Fintech tại Việt Nam.
Đối với tỉnh Đồng Nai, hiện nay, các ngân hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng Fintech để chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs). Việc hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng đã thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng, mở rộng tệp khách hàng và có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn, giúp các ngân hàng tiếp cận đến các địa điểm xa, loại bỏ các rào cản về địa lý. Nhờ ứng dụng các công nghệ mới, những dịch vụ tài chính có thể được cung cấp cho nhiều người hơn với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn. Việc hợp tác với các Fintech có thể khiến ngân hàng mất một phần lợi nhuận, nhưng vẫn giữ được mối quan hệ với khách hàng của họ và có thể hưởng lợi khi những khách hàng chung của ngân hàng và Fintech được mở rộng (Nguyễn Nhật Minh và cộng sự, 2022).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ứng dụng Fintech trong hệ thống ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai còn gặp một số vấn đề tồn tại cần được khắc phục như:
Một là, sự gia nhập của các công ty Fintech vào thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai đã và đang làm tăng độ phức tạp của hệ thống và gia tăng rủi ro chung của hệ thống. Các hệ thống ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến từ việc gian lận tài chính, lỗi hệ thống, cũng như những rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu mà nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng công nghệ của Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để thực hiện các hành vi đánh cắp thông tin, tiền trong tài khoản, ví điện tử của khách hàng.
Hai là, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác, nhất là đối với những công nghệ mới. Fintech phát triển quá nhanh so với hệ thống pháp luật hiện hành. Sản phẩm Fintech là dựa trên những đổi mới và sáng tạo liên tục của công nghệ, do đó, nhiều trường hợp các quy định của pháp luật của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng hiện hành chưa theo kịp. Chính điều này là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ lừa đảo liên quan đến Fintech thời gian qua như lừa đảo góp vốn mua máy đào tiền ảo, lừa đảo ICO, kinh doanh tiền điện tử…
Ba là, Đồng Nai là nơi có tỉnh có dân số trẻ cao, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, số dân so trình độ và sự hiểu biết về công cao còn nhiều hạn chế nên làm cho khách hàng đôi khi sử dụng mà chưa thực sự hiểu về sản phẩm về Fintech. Phần đông người dân chưa có kiến thức cơ bản về tài chính, thậm chí không hề biết cách bảo mật các thông tin cá nhân, trong khi đó ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”. Đây chính là kẽ hở cho tội phạm tài chính tấn công để chếm đoạt tài sản.
Bốn là, với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech hiện nay tại Đồng Nai đã làm cho thị phần của các ngân hàng bán lẻ bị giảm mạnh và bị cạnh tranh gay gắt khi bị chia sẻ thị phần với các công ty Fintech, khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro chiến lược. Các tổ chức tài chính truyền thống sẽ mất một phần đáng kể thị phần hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận nếu các công ty Fintech ứng dụng hiệu quả công nghệ và cung cấp các dịch vụ với chi phí thấp, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của khách hàng.
Trong môi trường này, các ngân hàng sẽ trải qua sự suy giảm khả năng sinh lời do năng lực dự báo kém về những xu hướng thị trường và sự thích nghi kém với các đổi mới; đồng thời, có thể mất đi các mối quan hệ khách hàng trực tiếp có lợi và/hoặc tỷ suất lợi nhuận biên thấp có thể làm suy yếu khả năng của các tổ chức tài chính truyền thống trong việc vượt qua các chu kỳ kinh doanh trong tương lai, chẳng hạn, nếu các ngân hàng phản ứng với việc giảm lợi nhuận bằng cách tham gia vào các hoạt động rủi ro hơn (Nguyễn Nhật Minh, 2022).
Đề xuất các giải pháp
Trong xu thế phát triển hiện nay, ngân hàng nào không có công nghệ tài chính xem như tự loại khỏi thị trường. Vì vậy, Fintech là lựa chọn hợp tác tất yếu cho các ngân hàng để có thể trở thành smart banking và cung cấp những sản phẩm tối ưu cho khách hàng (Vũ Cẩm Nhung và cộng sự, 2021). Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai khi sử dụng Fintech, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các ngân hàng bán lẻ cần ban hành quy định và quy trình kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp dữ liệu cho các công ty Fintech. Cả ngân hàng và các công ty Fintech đều cần chú trọng vấn đề bảo mật thông tin, đặt tiêu chí bảo mật thông tin khách hàng lên hàng đầu để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng (Vũ Cẩm Nhung và cộng sự, 2021). Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cấp, cải thiện hệ thống an ninh công nghệ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống, tăng cường hợp tác với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và các công ty Fintech trên cơ sở cùng có lợi.
Thứ hai, khi ứng dụng Fintech vào hoạt động, các ngân hàng cần đảm bảo xây dựng môi trường kiểm soát và áp dụng các quy trình quản lý rủi ro đầy đủ và toàn diện. Sự an toàn, lành mạnh và ổn định của ngân hàng có thể được tăng cường bằng cách thực hiện các chương trình giám sát để đảm bảo rằng ngân hàng có cơ cấu quản trị hiệu quả, cùng các quy trình quản lý rủi ro rõ ràng, qua đó quản lý và giám sát một cách thích hợp những rủi ro phát sinh liên quan đến Fintech. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách quản lý phù hợp để các công ty Fintech được hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tài chính toàn diện, bền vững cùng hệ thống ngân hàng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech hiện nay tại Đồng Nai đã làm cho thị phần của các ngân hàng bán lẻ bị giảm mạnh và bị cạnh tranh gay gắt khi bị chia sẻ thị phần với các công ty Fintech, khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro chiến lược. Các tổ chức tài chính truyền thống sẽ mất một phần đáng kể thị phần hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận nếu các công ty Fintech ứng dụng hiệu quả công nghệ và cung cấp các dịch vụ với chi phí thấp, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của khách hàng.
Thứ ba, đối với khách hàng, những người sử dụng dịch vụ Fintech, cần chủ động học hỏi những kiến thức cơ bản liên quan đến bảo mật thông tin, tiện ích của khách hàng, những thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, cũng như những hạn chế của các dịch vụ Fintech trước khi sử dụng. Từ đó, chính khách hàng là người có ý thức hạn chế tối đa những rủi ro, những tổn thất không đáng có.
Thứ tư, để giảm nguy cơ thị phần của các ngân hàng bán lẻ bị giảm mạnh và cạnh tranh gay gắt với các công ty Fintech, về phía ngân hàng, cần phát huy hai yếu tố: sự cởi mở và tính sáng tạo trong việc đưa ra sản mới, phối hợp với Fintech để biến Fintech trợ thủ đắc lực của mình. Dưới góc độ Fintech, cũng cần có sự sáng tạo liên tục trong các sản phẩm, dịch vụ để thu hút sự hợp tác cùng tham gia từ phía các ngân hàng. Hơn nữa, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech có thể trở thành xu hướng chính trong tương lai ở nhiều thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng bán lẻ ở thị trường Đồng Nai. Do đó, các nhà quản trị ngân hàng cần nhanh chóng thay đổi chiến lược phát triển, gia tăng đầu tư để thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số trong các hoạt động xử lý quy trình làm việc và phát triên sản phẩm mới.
Kết luận
Công nghệ số sẽ trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược cạnh tranh của các ngân hàng bán lẻ tại Đồng Nai. Tuy nhiên, việc áp dụng Fintech đang đứng trước một số thách thức về khuôn khổ pháp lý, an ninh mạng và bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để hạn chế những rủi ro trong quá trình áp dụng công nghệ vào hoạt động, Đồng Nai cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của Fintech, góp phần củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trên quy mô toàn tỉnh. ^
Tài liệu tham khảo:
- Dương Tấn Khoa (2019). Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo: Tương lai của Fintech và ngân hàng - Phát triển và đổi mới, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 107-114;
- Đỗ Quang Trị (2022). Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, Số 27, tháng 12/2022;
- Nguyễn Nhật Minh và Phạm Đức Anh (2022). Tác động của Fintech đối với hệ thống ngân hàng - Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Ngân Hàng. https://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-fintech-doi-voi-he- thong-ngan-hang-mot-so-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam.htm;
- Nghiêm Thanh Sơn (2020). Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. http://tapchinganhang. gov.vn/thuc-trang-va-giai-phap-hoan-thien-he-sinh-thai-cong-nghe- tai-chinh-tai-viet-nam.htm;
- Hochstein, M. (2015). FinTech (the Word, That is) Evolves, American Banker. Retrieved 3 January 2022. https://www.americanbanker.com/opinion/ fintech-the-word-that-is-evolves;
- Thakor, A.V. (2019). Fintech and banking: what do we know?. Journal of Financial Intermediation, Vol. 41, p. 100833;
- Phan Thị Thu Hà (2013), Ngân hàng thương mại. NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
- Vũ Cẩm Nhung & Lại Cao Mai Phương (2021). Fintech và xu hướng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ. https://thitruongtaichinhtiente.vn/fintech-va-xu-huong- hop-tac-voi-he-thong-ngan-hang-thuong-mai-tai-viet-nam-33443.html;
- Arner, D.W., Barberis, J. & Buckley, R.P. (2015). The Evolution of FinTech: A New Post-Crisis Paradigm?. University of Hong Kong's Faculty of Law, Research Paper No. 2015/047.