Tác động của RCEP đối với Liên minh châu Âu
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 thành viên ASEAN với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand được nhận định là mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt rất khiêm tốn cho Liên minh châu Âu (EU), nhưng lại có ý nghĩa chiến lược và địa chính trị lâu dài lớn.
Về kinh tế
Nhìn từ quan điểm của các công ty châu Âu, RCEP thể hiện rõ là một hiệp định thương mại tự do lần đầu tiên có sự tham gia của 3 cường quốc sản xuất: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và sự liên kết chung rộng lớn ở châu Á. Ba quốc gia này đã cùng nhau tạo ra 5,3 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất trong năm 2019, nhiều hơn 1 nghìn tỷ USD so với Mỹ và EU cộng lại.
Ngoài dân số Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 1,6 tỷ người, RCEP cho phép tiếp cận với thị trường 675 triệu người nữa ở ASEAN, Australia và New Zealand, một dân số lớn hơn cả EU. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp 2 - 3 lần ở châu Âu và Mỹ trong vòng 10 năm tới.
Ấn Độ, cho đến nay vẫn là nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới, đã rút khỏi RCEP vào năm ngoái, chủ yếu do lo ngại về sự cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và sự cạnh tranh của Australia, Đông Nam Á trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có thể trở lại vào một ngày nào đó trong tương lai.
EU đã có các hiệp định thương mại quan trọng đang có hiệu lực với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cho thấy xuất khẩu sang các nước này khó có thể bị thay thế. Tuy nhiên, trong tổng xuất khẩu của EU sang RCEP năm 2019, hầu hết không nằm trong các hiệp định thương mại, bao gồm cả sang Trung Quốc - điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của EU, nơi thuế quan thương mại được áp dụng là 9,15% vào năm 2017.
Các thị trường quan trọng khác bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan - nơi EU phải đối mặt với mức thuế cao và Australia - nơi EU phải đối mặt với mức thuế thấp hơn. Khi hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm máy móc và các sản phẩm chế tạo khác, có thể mong đợi một số chuyển hướng xuất khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc.
Các tác động kinh tế trực tiếp của RCEP đối với nền kinh tế châu Âu có thể là khiêm tốn và sẽ chỉ được cảm nhận dần dần. Với nhóm Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc là một ngoại lệ lớn, hiệp định này chỉ đòi hỏi tự do hóa thương mại hạn chế, vì nhiều hiệp định thương mại đã tồn tại giữa các bên ký kết.
Nông nghiệp chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi thỏa thuận và việc cắt giảm thuế quan trong lĩnh vực sản xuất có nhiều ngoại lệ, với lộ trình chi tiết của quốc gia quy định các lĩnh vực nhạy cảm. Hơn nữa, thời gian thực hiện kéo dài bất thường đối với một thỏa thuận kiểu này, kéo dài đến 20 năm.
Hải quan và các loại điều khoản cải cách quy định nâng cao thương mại khác sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của khu vực, nhưng thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tự do thương mại dịch vụ - nơi chỉ một số lĩnh vực được hưởng lợi. Nỗi lo lớn nhất đối với EU là chuyển xuất khẩu sang các thành viên RCEP, do biên lợi nhuận ưu đãi dành cho các bên ký kết khác, được gọi là chuyển hướng thương mại.
Các tác động khác đối với nền kinh tế châu Âu có thể kể đến: Người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào trung gian từ RCEP có khả năng được hưởng lợi từ giá thấp hơn, phản ánh sự thúc đẩy hiệu quả ở các chuỗi giá trị trong khu vực; các nhà xuất khẩu sang RCEP sẽ được hưởng lợi nhuận biên từ thu nhập cao hơn của khu vực và rất có thể tăng trưởng bền vững nhanh hơn; các doanh nghiệp cạnh tranh với RCEP, dù ở châu Âu hay thị trường thứ ba, sẽ gặp bất lợi nhất định, đặc biệt nếu họ không thu được lợi ích từ chuỗi giá trị tích hợp của khu vực.
Địa chính trị
Nhiều nhà quan sát đã lưu ý, bất chấp sự phản đối của Mỹ, thương mại Trung Quốc và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã tiếp tục phát triển mạnh trong những năm gần đây. RCEP cho thấy khá rõ ràng rằng Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đồng minh của Mỹ, những nước có quan ngại sâu sắc về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, bằng cách tham gia RCEP, các nước này vẫn có những mối quan hệ phát triển mạnh mẽ hơn. Các nước láng giềng của Trung Quốc khó có thể bỏ qua thực tế rằng, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc ngày nay lớn gần gấp đôi so với Mỹ và đang phát triển nhanh hơn khoảng hai lần.
Sau khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản hiện được đặt ở trung tâm của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có một số thành viên cũng tham gia RCEP. Trong số các quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP có Trung Quốc, mặc dù đó là một bước đi dài, vì những cải cách cần thiết ở Trung Quốc liên quan đến CPTPP được cấu trúc hiện tại sẽ còn quá xa so với RCEP.
Điều đáng chú ý, Nhật Bản ký kết RCEP không lâu sau khi nước này ký kết một thỏa thuận thương mại nhỏ với Mỹ, ngay cả khi nước này đứng về phía EU và Mỹ trong việc kêu gọi cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm giải quyết các vấn đề, bao gồm trợ cấp công nghiệp và thương mại doanh nghiệp nhà nước.
Những lựa chọn về chính sách
Ở cấp độ kỹ thuật của các cuộc đàm phán thương mại, RCEP và sự xuất hiện của chính quyền mới sau bầu cử Mỹ sẽ thúc đẩy EU xác định một chiến lược thương mại châu Á mới. Điều này nhằm mục đích duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng trong khu vực và sự tích hợp các chuỗi giá trị tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một chiến lược như vậy sẽ xem xét 1 trong 3 lựa chọn không loại trừ hoặc kết hợp với nhau, đó là: EU có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, chặng đường thách thức nhất nhưng có khả năng có lợi nhất; tham gia CPTPP và đẩy nhanh các hiệp định song phương khác ở châu Á. Trong đó, việc đẩy nhanh các thỏa thuận song phương sẽ đòi hỏi EU phải khôi phục các cuộc đàm phán FTA đang bị đình trệ với Malaysia, Thái Lan và đạt được tiến bộ trong đàm phán với Indonesia, Philippines, đồng thời giải quyết các vấn đề nông nghiệp với Australia, New Zealand.
Tham gia CPTPP có khả năng là lựa chọn đầy hứa hẹn đối với EU, do các điều khoản toàn diện và đầy tham vọng của thỏa thuận này. CPTPP đã mở rộng khắp châu Á và châu Mỹ, có thể bao gồm cả châu Âu. Việc EU có các hiệp định thương mại với những thành viên lớn nhất của CPTPP, bao gồm Canada, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam, có thể giúp các cuộc đàm phán dễ dàng hơn, nhưng cũng mang lại tự do hóa thương mại mới tương đối hạn chế. Lỗ hổng trong chính sách thương mại của EU là Trung Quốc - nơi rủi ro chuyển hướng thương mại do RCEP cũng lớn nhất.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU và đang phát triển nhanh. Tiến bộ về thương mại với Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư với Trung Quốc đã được đàm phán từ năm 2014.