RCEP - Trọng tài mới cho căng thẳng thương mại?
Thương mại thế giới đang rất cần được củng cố niềm tin trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và mối quan hệ giữa các đối tác thương mại ngày càng xấu đi. Các chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận song phương không đủ để giải quyết những căng thẳng thương mại gay gắt, trong khi các thể chế đa phương như WTO mải đấu tranh để thích nghi với những thách thức mới. Vậy cơ chế nào khả thi nhất hiện nay?
Dịch Covid-19 không những không làm dịu đi cuộc chiến thương mại mà còn khiến các chính sách thương mại gây sốc trở nên nghiêm trọng hơn. Trung Quốc đã áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với tổng mức thuế 80,5% đối với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Trong khi đó, Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.
Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Những đòn đáp trả lẫn nhau giữa hai nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước xuất khẩu và về lâu dài, gây tổn hại niềm tin trong giao dịch với nước nhập khẩu. Căng thẳng thương mại đang khiến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và làm rạn nứt mối quan hệ giữa các nước, mang đến bất ổn nghiêm trọng trong thương mại toàn cầu.
Những diễn biến trên thúc đẩy nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng những quy tắc và cách thức giải quyết tranh chấp mới trong bối cảnh cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng tỏ ra không hiệu quả và những căng thẳng thương mại mới ngày càng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Cơ chế song phương và đa phương thiếu hiệu quả
Làm thế nào để giải quyết một tranh chấp thương mại? Có ba cách tiếp cận: Song phương, khu vực và đa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không thể dựa vào các hiệp định thương mại song phương để giải quyết căng thẳng thương mại. Phán quyết của bên thứ ba theo các hiệp định thương mại song phương hiếm khi được coi trọng trong các cuộc đàm phán giữa các bên.
Tham vấn song phương cấp cao cũng ít khả năng xảy ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gay gắt như trường hợp Trung Quốc - Australia hiện nay. Ngay cả khi các cuộc đàm phán song phương có thể xảy ra, thì nó thường cũng đưa đến những giải pháp không giúp giải quyết bản chất vấn đề do khác biệt rõ rệt trong lập trường của mỗi bên.
Chẳng hạn, mặc dù Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết vào tháng 1 vừa qua sau gần hai năm chiến tranh thương mại, song số phận của thỏa thuận này vẫn chưa chắc chắn khi mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với Trung Quốc và đình chỉ thỏa thuận. Do sự chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bản thân thỏa thuận không bao gồm các vấn đề cơ cấu sâu sắc như doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh thị trường và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, hệ thống đa phương đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hệ thống nghiêm trọng. Không chỉ là việc Cơ quan Phúc thẩm (cơ quan giải quyết tranh chấp) của WTO không thể hoạt động từ tháng 12.2019 do thiếu thành viên, mà bản thân các quy tắc của cơ quan này cũng không được nâng cấp và cập nhật kể từ khi được thành lập năm 1995, do đó rất khó giải quyết các vấn đề mới.
Căng thẳng thương mại cũng cho thấy các quy tắc mơ hồ và thiếu toàn diện của WTO trong các lĩnh vực quan trọng như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngay cả việc thành lập Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (MPIA) ngày 30.4 vừa qua của 19 thành viên WTO, trong đó có EU, Australia, Canada và Trung Quốc, chủ yếu liên quan đến giải quyết kháng cáo nên cũng không hy vọng cơ chế mới này có thể xử lý những khiếm khuyết trong quy tắc của WTO.
Hệ thống thương mại toàn cầu cần những nguyên tắc mới. Nhưng một cuộc đàm phán đa phương như vậy sẽ rất khó khăn với toàn bộ 164 thành viên WTO.
Ưu thế của cơ chế khu vực
Hiện có 16 nước tham gia đàm phán RCEP bao gồm: 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ. Tất nhiên, vẫn phải đợi xem Ấn Độ cuối cùng có tham gia ký kết thỏa thuận sau khi rời khỏi các cuộc thảo luận vào tháng 11 năm ngoái hay không.
Chỉ còn lựa chọn cuối cùng là các cơ chế mang tính khu vực, bao gồm các hiệp định thương mại nhiều hơn hai bên nhưng cũng không quá rộng như khuôn khổ của WTO. Các thỏa thuận hiện có bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ được thay thế bằng Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Các thỏa thuận lớn hơn có thể giúp chống chọi tốt hơn trước những toan tính địa chính trị. Chúng đưa đến khả năng tiếp cận thị trường với quy mô lớn hơn nhiều so với các hiệp định song phương trong khi có thể giải quyết các vấn đề mới dễ dàng hơn so với WTO.
Quan trọng hơn, các thỏa thuận khu vực đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp với bên thứ ba làm trung gian, dễ dàng được các bên chấp nhận và áp dụng hơn so với các thỏa thuận song phương. Đây là trường hợp của NAFTA. Khi có nhiều bên hơn tham gia xoa dịu căng thẳng, và các bên đều muốn tránh một trật tự dựa trên quyền lực, họ sẽ tìm được tiếng nói chung.
Ứng cử viên RCEP
Một trong số những “ứng cử viên sáng giá” cho chiếc ghế trọng tài thương mại tương lai là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tổ chức này, nếu được chính thức thành lập vào cuối năm nay sau 8 năm đàm phán, sẽ bao gồm hơn 3 tỷ người, tổng GDP khoảng 17 nghìn tỷ USD (chiếm 1/3 GDP của thế giới), và chiếm khoảng 40% tổng thương mại thế giới; là hiệp định thương mại lớn duy nhất mà Trung Quốc đang đàm phán.
Hiện có 16 nước tham gia đàm phán RCEP bao gồm: 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ. Tất nhiên, vẫn phải đợi xem Ấn Độ cuối cùng có tham gia ký kết thỏa thuận sau khi rời khỏi các cuộc thảo luận vào tháng 11 năm ngoái hay không.
Các cuộc đàm phán RCEP đang được tiến hành có thể mở ra cánh cửa quý giá để phát triển các quy tắc và cơ chế mới để giải quyết một số tranh chấp thương mại nhất định. Chẳng hạn, căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp có thể được áp dụng các quy tắc của NAFTA về việc xem xét lại quyết định của một bên bằng cách yêu cầu các cơ quan trong nước xem xét vấn đề. Điều này có thể giúp ngăn chặn nguy cơ vũ khí hóa thương mại.
Tất nhiên, không phải tất cả các cuộc chiến thương mại, bao gồm cả căng thẳng Mỹ - Trung, có thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Rất khó, thậm chí không thể, đạt được thỏa thuận về các quy tắc nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội để xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp dựa trên các quy tắc. RCEP là điểm khởi đầu cho những nỗ lực như vậy.
Nếu một số quốc gia nhất định nhất trí thúc đẩy các quy tắc và hệ thống giải quyết tranh chấp mới để quản lý căng thẳng thương mại, thì các hiệp định thương mại khu vực mới có thể giúp bảo đảm thương mại chống chọi được trước những căng thẳng trong tương lai.
Hơn nữa, nếu không tồn tại một cơ chế phân xử độc lập của bên thứ ba, thì những mỹ từ về lợi ích tương lai của một hiệp định thương mại chỉ là bánh vẽ và các thỏa thuận này khó bền vững về lâu dài. Đó là lý do mà các nền kinh tế như EU và Trung Quốc vẫn tiếp tục hợp tác để cứu vãn hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.