Tái cấu trúc nền kinh tế và cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau 40 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với số lượng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng tăng. Theo đánh giá, trong tương lai, dòng vốn này có tiếp tục tăng hay không phụ thuộc vào tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Tái cấu trúc nền kinh tế và cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng mật thiết. Đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tăng nhanh trong hai năm liên tiếp 2011 và 2012 với số vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Trong năm 2011, 234 dự án đầu tư mới của các công ty Nhật Bản đã được cấp phép tại Việt Nam và năm 2012 là 317 dự án. Nhật Bản trở thành nước đầu tư lớn nhất, số dự án đầu tư chiếm ¼ tổng FDI, chiếm ½ tổng số vốn đăng ký. Số dự án đầu tư nửa đầu năm 2013 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam, chiếm 40% hỗ trợ ODA của quốc tế dành cho Việt Nam và hơn 70% nguồn vốn ODA Nhật Bản được sử dụng cho các dự án phát triển hạ tầng như giao thông hay nhà máy điện.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, không chỉ hỗ trợ về vốn, Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược, kế hoạch, điển hình là Nhật Bản hỗ trợ VN xây dựng trình Chính phủ chiến lược CNH đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản. Đây là nền tảng quan trọng cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản có căn cứ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Theo đánh giá của Nhật Bản, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, lao động dưới 20 tuổi chiếm 1/3 tổng số lao động, có thể đáp ứng nhu cầu về lao động trong tương lai. Quan trọng hơn nữa, hiện nay giá thuê nhân công ở Trung Quốc và Thái Lan ngày càng tăng cao, vì vậy các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước khác, trong đó Việt Nam được coi là có nhiều cơ hội để đón nhận dòng vốn này do chi phí lao động vẫn rẻ.

Theo Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang ở mức rất cao và có thể tiếp tục tăng lên, nhưng phụ thuộc vào việc Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như thế nào để duy trì được dòng vốn đầu tư này. Về nguồn nhân lực, Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam trong công tác đào tạo, còn vấn đề cải cách thể chế sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng không có cải cách thì không thể phát triển bền vững và thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, chân thành như “anh em một nhà”, “những người bạn lâu năm”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Motonubo Sato khẳng định, phía Nhật Bản rất có thiện cảm với Việt Nam, coi trọng yếu tố tình cảm và sự ổn định về an ninh, chính trị, sự tương đồng về văn hóa, tôn giáo… giữa hai quốc gia để tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng như kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Sato, Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm trong phát triển như thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, cung cấp điện cho sản xuất không ổn định, hạ tầng yếu kém, chính sách thường xuyên thay đổi, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan…

Tiếp thu những góp ý thẳng thắn của phía Nhật Bản, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã đưa ra đề xuất, tới đây, định kỳ 3 tháng một lần, VCCI sẽ chủ trì tổ chức gặp mặt, trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản để kịp thời lắng nghe những vướng mắc mà họ đang vấp phải và tổng hợp gửi đến các cơ quan hữu quan của Việt Nam xem xét, tháo gỡ.

Với tinh thần đó, hai bên kỳ vọng sẽ tìm được tiếng nói chung tích cực, thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và phát triển mối quan hệ hợp tác bền vững nhiều mặt giữa hai quốc gia.