Tái cấu trúc ngân hàng: Cần chấp nhận đóng cửa thay vì sáp nhập”

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Chắc chắn khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ gặp nhiều phản ứng khác nhau, đặc biệt từ các nhóm lợi ích, nhưng cần đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, theo đó, có thể phải đóng cửa một số ngân hàng, thay vì sáp nhập”, ông Phạm Hồng Hải, Phó TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.

    Nhìn lại một năm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng kể từ ngày có 3 ngân hàng đầu tiên sáp nhập, ông có nhận xét gì?

    Tái cấu trúc ngân hàng: Cần chấp nhận đóng cửa thay vì sáp nhập” - Ảnh 1
    Ông Phạm Hồng Hải
    Ngành ngân hàng đã qua một năm cải tổ với rất nhiều biến động và nhiều cung bậc khác nhau. Vào cuối năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố sáp nhập 3 ngân hàng đầu tiên: Ngân hàng NHTM Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TP. HCM. Sau đó, trong quý I/2012, NHNN cũng tuyên bố quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ 8 NHTM yếu nhất nằm trong nhóm 4 theo phân loại ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có SHB mua lại Habubank và mới đây là thông tin sáp nhập Western Bank và PVFC. Điều này cho thấy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hoàn toàn không dễ dàng như thị trường kỳ vọng.

    Theo tôi, việc NHNN thể hiện quyết tâm tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và giảm số lượng các ngân hàng là một bước khởi động rất đúng đắn. Ngoài việc công khai tỷ lệ nợ xấu 8 - 10% là hết sức cần thiết trước khi chúng ta có thể bắt tay vào xử lý nợ xấu, một nỗ lực về mặt pháp lý quan trọng nhất, cho tới nay, trong việc tái cấu trúc ngân hàng là Quyết định 254 của Thủ tướng về Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Quyết định này tạo ra một hành lang pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một loạt chỉ tiêu cần phải đạt được cho đến năm 2015. NHNN cũng đã trình Chính phủ đề án thành lập công ty mua bán nợ vào tháng 12/2012. Nghị định thành lập công ty mua bán nợ được dự kiến công bố vào quý I/2013 sẽ tạo cơ chế mua bán nợ xấu của các ngân hàng nhằm tạo một cơ chế giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

    Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu vẫn đang được triển khai chậm. Quan điểm của ông?

    Đúng là cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, mà chắc chắn khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều phản ứng khác nhau, đặc biệt từ các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia nên được đặt lên hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu. Chúng ta có thể phải chấp nhận đóng cửa các ngân hàng yếu kém thay vì sáp nhập các ngân hàng này với các ngân hàng khác.

    Một thực trạng khi sáp nhập là ngân hàng khỏe hơn rất ngần ngại khi phải sáp nhập với ngân hàng yếu kém. Lợi ích của việc sáp nhập do mở rộng mạng lưới chi nhánh hay có thêm khách hàng có khả năng không lớn hơn chi phí giải quyết nợ xấu và không thể xác định được nợ xấu chính xác của ngân hàng yếu kém do thiếu sự minh bạch về sổ sách của nhóm ngân hàng này. Ngoài ra, hoạt động của các ngân hàng sau khi sáp nhập cũng không dễ dàng chút nào, khi văn hóa, hệ thống, con người, quy trình… rất khác nhau. Thông thường, chỉ có các ngân hàng lớn với nhiều kinh nghiệm điều hành các ngân hàng sau sáp nhập mới có đủ lực để tạo nên giá trị cộng thêm sau sáp nhập. Nếu không quản trị cẩn thận, giá trị của ngân hàng sáp nhập sẽ thấp hơn giá trị của các ngân hàng chưa sáp nhập cộng lại. Ngoài ra, với trần tỷ lệ sở hữu của ngân hàng nước ngoài ở mức thấp, 20% như hiện nay, sẽ rất khó khuyến khích các ngân hàng nước ngoài tích cực tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.

    Hiện tại, kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn, nên hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn và tốn nhiều chi phí hơn. Các nhà đầu tư cũng sẽ ngần ngại khi tham gia bỏ vốn vào các ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, việc sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn tới khó tái cấu trúc và sáp nhập. Các nhóm lợi ích sẽ phản ứng rất quyết liệt khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Có thể chúng ta vẫn đang mong chờ một giải pháp hoàn hảo mà không gây thiệt hại cho hệ thống. Tuy nhiên, sẽ rất khó có một phương án làm hài hòa lợi ích của tất cả thành phần kinh tế mà không gây bất kỳ phí tổn nào.

    Việc chậm trễ cải tổ tác động thế nào đến hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung?

    Càng chậm cải tổ, nợ xấu sẽ càng tăng cao và chi phí để tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu sẽ càng cao. Việc chậm tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu cũng sẽ làm ảnh hưởng đến vốn cung ứng từ hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã ví von nợ xấu giống như “cục máu đông” trong cơ thể. Nếu chúng ta càng bơm nhiều tiền vào mà cục máu đông chưa được giải quyết, cơ thể vẫn thiếu máu và việc bơm máu trở nên thiếu hiệu quả và có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, với số lượng hơn 100 ngân hàng hoạt động hiện nay, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh hết sức khốc liệt để tồn tại. Chính sự cạnh tranh khốc liệt này sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng bằng mọi giá, ví như tốc độ tăng tín dụng rất cao dẫn đến nợ xấu, che giấu nợ xấu, lãi suất huy động tiền gửi cao hơn lãi suất huy động cho phép. Các ngân hàng khỏe cũng sẽ bị suy yếu dần khi phải cạnh tranh không bình đẳng và không cùng một chuẩn mực với các ngân hàng yếu kém. Bản thân người gửi tiền cũng sẽ lo lắng khi không biết tình hình hoạt động của ngân hàng mình đang gửi như thế nào.

    Tôi nghĩ đây là thời điểm phải hành động. Quá trình tái cơ cấu phải được tiến hành đủ nhanh để khôi phục khả năng tiếp cận tín dụng đúng đắn và niềm tin được duy trì trong hệ thống ngân hàng.

    Cần hành động gì thêm để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn, thưa ông?

    Thứ nhất, NHNN có thể xem xét khoanh vùng các ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu. Các ngân hàng này sẽ phải tuân thủ quy chế riêng về cho vay, huy động và các nghiệp vụ ngân hàng khác. Làm như vậy sẽ không làm toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng bởi nhóm ngân hàng này. Còn như hiện nay, các ngân hàng yếu kém phải chấp nhận trả lãi suất tiền gửi rất cao để thu hút được người gửi tiền. Các ngân hàng lớn cũng phải nâng mặt bằng lãi suất tiền gửi gần sát với nhóm ngân hàng này do sợ mất khách hàng gửi tiền. Như vậy, chi phí vốn của toàn bộ hệ thống bị đẩy lên rất cao.

    Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tổng thể tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Do đó, vẫn cần tiến hành cải cách đồng thời các thành phần khác của nền kinh tế như doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công để tạo môi trường thuận lợi cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

    Thứ ba, kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần phải rất chi tiết, bao gồm kế hoạch thực hiện với thời gian cụ thể, thực hiện như thế nào, chi phí thực hiện bao nhiêu, ai sẽ trả chi phí này. Khi có lộ trình rất cụ thể và các bước đi đầu tiên đúng lộ trình và kiên quyết, quá trình thực hiện tái cấu trúc sẽ thuận lợi hơn khi thị trường tin vào quyết tâm thực hiện tái cấu trúc của NHNN và Chính phủ.

    Ngoài ra, chúng ta nên có quy định rõ ràng để kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt từ các ngân hàng nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Với nguồn vốn mạnh và kinh nghiệm quản trị hậu M&A, các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.