Tái cấu trúc và “đích” năm 2015
(Tài chính) Chính phủ đang xem xét ban hành đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán với dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Đây là một cái “đích” đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các thành viên thị trường...

Những giải pháp mạnh
Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 12/11/2012, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và cho biết ở lĩnh vực tài chính, Chính phủ đang xem xét ban hành Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán (TTCK). Theo đề án này, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành căn bản việc cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Mặc dù Chính phủ chưa chính thức ban hành Đề án tái cơ cấu TTCK nhưng trước đó, ngày 4/1/2012, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 62/QĐ - BTC về tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK), đồng thời đã có các văn bản pháp lý quy định chuẩn an toàn đối với các CTCK cũng như những biện pháp xử lý. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - Vũ Bằng, đây là cơ sở để UBCKNN tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh tay với những CTCK không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính. Cơ quan này xác định việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trọng tâm là tái cấu trúc CTCK theo hướng giảm số lượng công ty đang là đòi hỏi cấp bách của những tháng cuối năm 2012.
Thời gian qua, dựa vào kết quả phân loại các CTCK theo chuẩn an toàn do Bộ Tài chính quy định, UBCKNN đã ra quyết định đặt 7 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt bao gồm CTCK Cao Su, CTCK Vina, CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn, CTCK Đà Nẵng, CTCK Mekong và CTCK Công nghiệp và Thương mại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2012, UBCKNN cũng đã kiểm tra 6 CTCK thuộc các ngân hàng thương mại và dự kiến hoàn thành triển khai chương trình kiểm tra định kỳ 20 CTCK trong phần còn lại của năm.
Hoạt động xử lý vi phạm của các CTCK cũng được cơ quan quản lý thực hiện triệt để và quyết liệt hơn khi vào ngày 11/9/2012, lần đầu tiên UBCKNN xử phạt một CTCK về hành vi bán khống. Đó là trường hợp CTCK Đại Nam bị phát hiện cho khách hàng vay chứng khoán để bán khống, đồng thời thực hiện tự doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép. Với những vi phạm trên, CTCK Đại Nam đã bị xử phạt hành chính tổng cộng 250 triệu đồng. Sau CTCK Đại Nam, trong tháng 10/2012, UBCKNN lại tiếp tục xử phạt hành chính CTCK Tp.Hồ Chí Minh và 2 nhân viên tổng cộng 275 triệu đồng vì hành vi tương tự. Đặc biệt, ngày 24/10/2012, một thông tin được giới quan sát đánh giá rất cao là việc UBCKNN đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của CTCK Hà Nội (HSSC) trong vòng 6 tháng. Đây là CTCK đầu tiên bị đình chỉ hoạt động vì không đáp ứng được các chuẩn về tài chính (trên thực tế HSSC gần như ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay. Trước đó, HSSC đã đóng cửa trụ sở chính, rút nghiệp vụ môi giới và có 3 năm liên tiếp thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu bị “cụt” gần hết).
Từng có quan điểm cho rằng việc sáp nhập và đóng cửa CTCK không dễ. Tuy nhiên, với việc cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay trong xử lý vi phạm mà điển hình là quyết tâm loại bỏ các tổ chức kinh doanh chứng khoán quá yếu kém, chắc chắn sự kiện HSSC sẽ tạo ra những tiền lệ tích cực.
Cần chế tài mới
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN), hiện nay chế tài pháp lý phục vụ kế hoạch tái cơ cấu CTCK chủ yếu dựa vào các chỉ tiêu an toàn tài chính được quy định tại Thông tư 226/2010/TT – BTC. Các CTCK bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt trong trường hợp vốn khả dụng/ tổng giá trị rủi ro xuống dưới 120%. Trong trường hợp này, nếu CTCK không sớm có giải pháp khắc phục, sẽ xem xét rút giấy phép. UBCKNN cũng dự kiến rút ngắn hơn thời hạn kiểm soát đặc biệt với CTCK từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để ép ban lãnh đạo phải khắc phục nhanh.
Tuy nhiên, để triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc CTCK, hiện UBCKNN đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010/TT – BTC, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng tiêu chuẩn. Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung, sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu CTCK vẫn không khắc phục được tình trạng trên và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ trở lên sẽ bị tạm dừng hoạt động.
Để kiểm soát chặt cũng như xử lý nghiêm CTCK không đáp ứng các điều kiện an toàn, hỗ trợ hoạt động quản lý rủi ro của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCKNN hiện đang soạn thảo quy chế hướng dẫn CTCK thực hiện quản lý rủi ro theo chuẩn mực chung. Cụ thể, các CTCK phải thiết lập tiểu ban xử lý rủi ro trực thuộc HĐQT với các thành viên đang tham gia trực tiếp trong hoạt động điều hành. Mục đích của quy chế trên là để các CTCK phải quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế cũng như kiểm soát những rủi ro có thể xảy ra, tránh tình trạng rơi vào mất thanh khoản hoặc vướng sai phạm khác.
Quyết tâm lành mạnh hóa các tổ chức kinh doanh chứng khoán với mục tiêu đến năm 2015 phải hoàn tất việc tái cơ cấu là lộ trình khả thi xét trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, trước hết các CTCK phải nỗ lực tự khắc phục hoặc tìm những giải pháp như hợp nhất, sáp nhập, chủ động lên các kế hoạch tái cơ cấu…Về phía Bộ Tài chính và UBCKNN, chắc chắn quyết tâm lành mạnh hóa các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ được đẩy mạnh trong năm 2013 - 2015, nhằm đảm bảo khơi thông dòng vốn từ NĐT đến doanh nghiệp khi nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng thực sự khởi sắc.
Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 11-2012