Định giá Cổ phiếu FPT tiệm cận đỉnh, khó tăng cao hơn
Tăng trưởng lợi nhuận tích cực, nhưng dư địa tăng giá cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT đang thu hẹp do định giá tiệm cận vùng cao và đà tăng trưởng chậm dần.

Tăng trưởng chậm lại ở các mảng chủ lực
Trong quý I/2025, FPT ghi nhận doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng không thấp nhưng đã giảm đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng trên 20% trong các năm trước. Đặc biệt, mảng công nghệ thông tin, vốn được kỳ vọng là động lực chính, chỉ ghi nhận mức tăng 15,3%, trong khi doanh thu ký mới – chỉ báo quan trọng phản ánh khả năng tăng trưởng trong tương lai – tuy lập kỷ lục mới (11.500 tỷ đồng) nhưng có xu hướng suy giảm trong các quý còn lại, theo chu kỳ hàng năm.
Với hoạt động kinh doanh về Công nghệ thông tin, doanh thu chủ yếu đến từ nước ngoài, trong quý I/2025, doanh thu từ nước ngoài đạt 8,19 nghìn tỷ đồng (chiếm 84% tổng doanh thu Công nghệ thông tin), tập trung chính vào các nước như Nhật (chiếm 43% Doanh thu nước ngoài); Mỹ (chiếm 24% Doanh thu nước ngoài), APAC (chiếm 24% Doanh thu nước ngoài).
Trong năm 2024, tổng doanh thu ký mới chỉ tăng 13% – mức thấp so với quá khứ. Dự báo cho năm 2025, FPT có thể đạt 40.300 tỷ đồng hợp đồng mới, tương đương tăng trưởng 20%, nhưng tốc độ này không đủ để kéo tăng trưởng lợi nhuận duy trì ở mức cao hơn. Tính tới quý I/2025, doanh thu ký mới đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất từ trước tới nay. Nhưng trong 5 năm gần đây, quý I thường có doanh số ký mới cao nhất, các quý sau đó giảm khá mạnh so với quý I.
Ở mảng viễn thông, FPT vẫn giữ được tăng trưởng hai chữ số (+14,3%) và biên lợi nhuận cải thiện (+50,4%), tuy nhiên quy mô mảng này không đủ lớn để tạo ra đột phá.
Kỳ vọng đã phản ánh vào giá
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, FPT đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.400 tỷ đồng – đều tăng khoảng 20–21% so với năm trước. Tuy nhiên, với quan điểm thận trọng, nhiều tổ chức phân tích đánh giá mức tăng trưởng thực tế có thể thấp hơn, với doanh thu đạt khoảng 73.290 tỷ đồng (+16,6%) và lợi nhuận sau thuế ở mức 11.150 tỷ đồng (+18,3%).
Với triển vọng tăng trưởng chậm lại, mức P/E hợp lý cho cổ phiếu FPT được đưa về khoảng 19 lần, tương đương giá trị hợp lý khoảng 120.800 đồng/cổ phiếu – tiệm cận với vùng giá hiện tại trên thị trường. Điều này cho thấy mức định giá đã phản ánh phần lớn kỳ vọng tăng trưởng, khiến dư địa tăng giá trong ngắn hạn trở nên hạn chế.
FPT vẫn là doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, chiến lược phát triển bài bản và vị thế số 1 trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với định giá đã cao và tăng trưởng dần ổn định trở lại, cổ phiếu FPT không còn là “câu chuyện tăng trưởng nóng” như các năm trước.
Mặt khác, trong bối cảnh nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn hoặc thuộc các nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, bất động sản, hay làn sóng AI, cổ phiếu FPT – dù vẫn hấp dẫn về mặt cơ bản – khó duy trì sức hút mạnh mẽ nếu thiếu đi câu chuyện tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Do đó, FPT phù hợp hơn với nhà đầu tư dài hạn, ưu tiên sự an toàn và bền vững, thay vì các nhà đầu cơ kỳ vọng vào đà tăng giá mạnh trong ngắn hạn.