Đổi mới cơ chế, chính sách...
Hiện nay, các CSGDĐH ở các nước trên thế giới nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Kinh phí nhà nước phân bổ cho hoạt động, đặc biệt là giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Kinh phí phân bổ cho nghiên cứu hoặc hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu từ các nguồn khác nhau (từ các bộ); Học phí và các loại phí khác thu được từ sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài; Nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp đồng đào tạo, dịch vụ tư vấn, bản quyền...; Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ trong khuôn viên nhà trường phục vụ giảng viên, sinh viên và cộng đồng; Nguồn thu từ hiến tặng, tài trợ, quà biếu, đầu tư.
Cơ cấu của các nguồn trên thay đổi rất nhiều giữa các nước. Chẳng hạn, hầu hết các trường đại học ở nước đang phát triển, 90% nguồn thu của họ là từ phân bổ của Nhà nước cho giảng dạy. Học phí và lệ phí là không đáng kể. Ngay cả ở một vài nước phát triển, các trường đại học của họ nếu không có nhiều hoạt động nghiên cứu cũng sẽ dựa chủ yếu vào hai nguồn thu chính – hỗ trợ từ Nhà nước và học phí.
Ở Việt Nam, các CSGDĐH có 3 nguồn thu chính, gồm từ ngân sách nhà nước (NSNN) và học phí, nguồn còn lại không đáng kể. Thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học (GDĐH) đã đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Điều này thể hiện rõ qua Nghị quyết số 35/2009/ QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Nghị định số 49/2009/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015... Những đổi mới này, đã tạo động lực quan trọng đối với các CSGDĐH công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm.
Thực hiện chủ trương, chính sách trên đã có nhiều chính sách tài chính liên quan tới GDĐH được sửa đổi và ban hành; Kế hoạch chi tiêu trung hạn trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có các CSGDĐH công lập cũng đã được đưa vào áp dụng thí điểm. Theo đó, giới hạn ngân sách tổng thể cho ngành Giáo dục được xác định trong một thời kỳ trung hạn 3 năm, tạo sự chủ động trong các kế hoạch phân bổ và sử dụng ngân sách theo các ưu tiên đặt ra.
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các CSGDĐH công lập, các cơ chế chính sách này đã mở ra, tạo cơ hội cho các CSGDĐH công lập nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng NSNN được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn; Phát triển nguồn thu sự nghiệp thông qua việc đa dạng hoá các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ; Huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị… thông qua các hoạt động hợp tác liên doanh, liên kết. Cùng với việc khai thác các nguồn thu, nhiều CSGDĐH cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, các quy trình quản lý nhằm tiết kiệm chi phí cũng như NSNN. Từ đó từng bước giảm dần sự bao cấp của nhà nước, đồng thời tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trong đơn vị.
Những hạn chế trong việc xây dựng chính sách học phí mới trên cơ sở xác định mức trần học phí và hệ số áp dụng từ năm học 2010-2011 theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP (ngày 14/5/2010), phần nào khắc phục hạn chế về mức học phí không phù hợp với mặt bằng giá cả. Chính sách học phí mới dựa trên nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học. Học phí đối với CSGDĐH công lập chương trình đại trà được căn cứ vào khung quy định của Nhà nước; Có tính đến đặc điểm, yêu cầu phát triển từng ngành, hình thức đào tạo và hoàn cảnh học của sinh viên.
Ngay cả cơ chế cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí cũng đã được xem xét chỉnh sửa hợp lý, để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường. Điều này, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước về chính sách xã hội, khắc phục hạn chế các CSGDĐH công lập phải thực hiện miễn, giảm học phí như trước đây. Ngoài ra, đã mở rộng đối tượng được miễn học phí là những sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo…
Kết quả chưa được như mong muốn
Bên cạnh các kết quả đã đạt được trên, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các CSGDĐH công lập chưa đạt được kết quả so với yêu cầu phát triển, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) chưa gắn với nhu cầu kinh phí cần thiết cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo, chưa khuyến khích việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo. Định mức phân bổ ngân sách cho các CSGDĐH công lập về cơ bản vẫn mang nặng tính bao cấp, bình quân và chủ yếu dựa vào các yếu tố "đầu vào" nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực NSNN với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, phần nào hạn chế tính năng động, sáng tạo của các CSGDĐH công lập trong việc huy động thêm các nguồn lực xã hội mà còn trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước.
Đối với cơ sở đào tạo: Một trong những điều kiện để thực hiện tự chủ tài chính là các đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng trên thực tế, do các CSGDĐH công lập được thực hiện cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, các trường tự đăng ký chỉ tiêu đào tạo, ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu chất lượng đầu ra, bởi hiện nay vẫn còn thiếu tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với NSNN được giao; Đồng thời, thiếu tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo, các chuẩn mực chung để so sánh, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng trường so với chuẩn chung. Chính vì vậy, việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các trường chủ yếu do các trường tự đánh giá, dẫn đến, việc hỗ trợ từ NSNN đối với các CSGDĐH công lập vẫn thực hiện một cách bình quân NSNN, không gắn với kết quả, chất lượng đào tạo… do đó không tạo được động lực cạnh tranh giữa các trường đại học công lập.
Đối với Nhà nước: Thực tế hiện nay, cơ chế phân bổ nguồn lực NSNN vẫn mang tính chất bình quân giữa các CSGDĐH công lập, chưa gắn với các tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra. Do vậy, chưa khuyến khích các CSGDĐH nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của giáo viên... Mặt khác, cơ chế phân bổ NSNN hiện hành vẫn thể hiện sự ưu tiên cho các cơ sở đào tạo công lập, chưa bình đẳng với đối tượng ngoài công lập. Trên phương diện hiệu quả xã hội, thì trường đại học công lập hay đại học ngoài công lập đều có nhiệm vụ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội. Cơ sở nào hoạt động hiệu quả, có chất lượng tốt thì phải được ưu tiên tiếp cận với nguồn lực tài chính công. Tuy nhiên, việc ưu tiên cho các CSGDĐH công lập đã không tạo điều kiện khuyến khích các CSGDĐH ngoài công lập phát triển.
Hầu hết các giảng viên đại học đều vượt định mức giờ giảng theo quy định, có những trường hợp vượt tới 150% đến 200% định mức giờ giảng. Điều này dẫn đến, việc giảng viên đại học không có thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm...
Thứ hai, duy trì mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên: Chế độ học phí đối với các trường công lập chậm được đổi mới, mức thu học phí vẫn còn thấp, dưới mức khả năng chi trả của người dân ở các khu đô thị, chưa phù hợp với mặt bằng giá cả. Điều này, làm hạn chế quyền tự chủ của các trường trong quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. Việc duy trì mức học phí thấp, chưa bù đắp đủ chi phí đào tạo dẫn đến một số hệ quả bất cập như:
Đối với các cơ sở đào tạo công lập: Các CSGDĐH công lập không có đủ nguồn tài chính, để bù đắp chi phí đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, cho nên phần lớn đều không đáp ứng đủ tiêu chí về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, do bị khống chế về trần học phí, nên để có thêm nguồn thu, các CSGDĐH công lập buộc phải tăng số lượng và quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo. Việc duy trì mức học phí thấp chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến các CSGDĐH công lập xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.
Đối với người học: Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo và áp dụng đồng đều cho tất cả các học sinh, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người học được thực hiện mang tính chất cào bằng, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo với học sinh gia đình trung lưu. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên của các gia đình trung lưu chiếm tỷ trọng đa số trong các CSGDĐH. Thực trạng này dẫn đến nguồn NSNN đang trợ cấp ngược cho người giàu.
Đối với đội ngũ giảng viên: Việc duy trì mức học phí thấp, dẫn đến các CSGDĐH không có đủ nguồn để cải thiện thu nhập cho giảng viên từ nguồn học phí chính quy, không thu hút và giữ được những giảng viên có trình độ tham gia giảng dạy. Để có nguồn bổ sung thu nhập các trường phải khai thác từ các hoạt động đào tạo không chính quy, dẫn đến thời gian đứng lớp của giảng viên đại học phần lớn bị quá tải. Hầu hết các giảng viên đại học đều vượt định mức giờ giảng theo quy định, có những trường hợp vượt tới 150% đến 200% định mức giờ giảng. Điều này dẫn đến, việc giảng viên đại học không có thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm... Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hướng đến chất lượng đào tạo.
Cần có cơ chế tài chính hợp lý, hiệu quả
Một là, sớm sửa đổi Nghị định số 43/2006/ NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cho phù hợp với thực tế... Theo đó, cần đẩy mạnh mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các CSGDĐH công lập; Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội.
Cụ thể là được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở khung giá tính đủ các chi phí cần thiết do cấp có thẩm quyền ban hành; Được hạch toán đầy đủ chi phí; Được Nhà nước giao vốn và bảo toàn, phát triển vốn; Được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với nhiệm vụ được giao theo quy định; Được huy động vốn, góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác, để mở rộng việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và tự quyết định biên chế và trả lương trên cơ sở thang bảng lương của Nhà nước và hiệu quả, chất lượng công việc.
Hai là, các bộ, ngành, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao tự chủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, định mức và mở rộng lĩnh vực giao quyền tự chủ cho các đơn vị; Sửa đổi chế độ khấu hao tài sản cố định (nhất là máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy với thời gian 3 năm là hợp lý); Sửa đổi chính sách phí, lệ phí cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ba là, về phía các trường, cần tiếp tục đổi mới một cách toàn diện: Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng; Xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng người lao động. Trong đó, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả công việc, khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực, có trình độ. Đặc biệt là phải xây dựng được chiến lược tài chính hợp lý cho đầu tư cơ sở vật chất trong ngắn hạn và dài hạn; Có giải pháp của riêng mình để huy động mọi cá nhân, tập thể tham gia vào quá trình phát triển chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, phải coi trọng và tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. John Fielden, Global trends in university governance, World Bank, 2008;
2. Philip Altbach, International Higher Education- Reflections on Policy and Practice, Chronicle of Higher Education, 2006;
3. Lê Văn Hảo, Mô hình phát triển tài chính đại học, trường ĐH Nha Trang, 2008;
4. Huỳnh Thành Đạt và cộng sự, Cơ chế hoạt động và các mối quan hệ trong nội bộ ĐHQG TP.HCM, Đề tài NCKH cấp ĐHQG, 2010;
5. TS. Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, (Bộ Tài chính), Đổi mới cơ chế tài chính đối với các CSGDĐH công lập gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả.
Tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập: Những vấn đề cần tháo gỡ
(Tài chính) Nhu cầu về tài chính cho giáo dục đại học đang ngày càng cao, tạo áp lực lên ngân sách nhà nước. Từ góc độ một cơ sở giáo dục đại học, bài viết đưa ra một số ý kiến xoay quanh vấn đề tài chính đại học đối với cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập.
Xem thêm