Cẩn trọng với bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Theo Khánh An/qdnd.vn

Dịp Tết Trung thu, nhu cầu mua bánh Trung thu của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm một số đối tượng lợi dụng để tuồn hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Đáng chú ý, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại bánh Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng và kém chất lượng.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai kiểm tra và thu giữ hơn 3.000 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai kiểm tra và thu giữ hơn 3.000 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Gần đây, liên tiếp các lô bánh Trung thu không nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu bị cơ quan chức năng nhiều địa phương tạm giữ, xử phạt chủ hàng; thậm chí có chủ hàng mượn "luồng xanh" (có mã QR) để vận chuyển bánh Trung thu nhập lậu đi tiêu thụ. Ngày 10-9, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội phối hợp với Công an TP. Hà Nội đột xuất kiểm tra, thu giữ 11.130 bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Số hàng trên được phát hiện tại cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Quang Thạch ở số 1, ngõ 72, đường La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Trước đó, ngày 8/9, kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” do ông Vũ Châu Quốc Hoàn điều khiển, địa chỉ thường trú tại phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139kg sản phẩm bánh Trung thu với hơn 3.000 bánh các loại. Toàn bộ số bánh Trung thu trên có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Để góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát thị trường hơn nữa, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với đó, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi lựa chọn bánh Trung thu, nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không chọn mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, người dân phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không mua hàng ở những tài khoản không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng hoặc chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox)...