Đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, Tân Cảng Sài Gòn lên kịch bản dự phòng diễn biến COVID-19

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tân Cảng Cát Lái trở lại như bình thường, nhưng các doanh nghiệp băn khoăn với giả định dịch COVID-19 vẫn kéo dài và phức tạp thì sao?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các phương án phòng chống dịch phải dừng, giảm công suất, hàng nhập về không lấy ra dẫn đến ứ đọng tại các cảng Cát Lái, Cái Mép gây ách tắc trong lưu thông hàng tại cảng.

Trước tình hình này, chiều ngày 10/8, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) tổ chức hội nghị “Đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng”, để thông báo tình hình hoạt động của TCSG đến các khách hàng/hãng tàu.

Đa số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCSG cho biết, thời gian gần đây tỷ lệ tồn bãi tại Tân cảng Cát Lái (TCCL) là 85%, là "tỷ lệ tuyệt hảo" cho sản xuất cảng. Trước đây, cột mốc này khoảng 87% và trước nữa khi TP. Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp phòng chống dịch thì con số này khoảng 89%. Như vậy, có thể khẳng định TCCL đã quay trở lại điểm sản xuất bình thường. Đối với Cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép (TCIT) tỷ lệ tồn bãi đang nằm trong vùng an toàn. TCCL và hệ thống cảng phía Nam đảm bảo công tác giao nhận hàng với các hãng tàu bình thường năng lực đảm bảo.

TCSG đã khảo sát trên 326 doanh nghiệp khách hàng có sản lượng lớn ở phía Nam. Kết quả, trong đó có 20,5% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 13% ngưng hoạt động hoàn toàn, 66,5% vừa giảm công suất vừa ngừng sản xuất. Như vậy, có đến 79,5% các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

Trong một chuỗi cung ứng nếu như các mắt xích sản xuất giảm hoặc ngưng hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng dây chuyền lên các cảng cạn (ICD) và ảnh hưởng đến hệ thống cảng.

Do vậy, các giải pháp, các biện pháp mà TCSG đã và đang triển khai trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp là nhằm mục đích đảm bảo an toàn sản xuất và duy trì hoạt động của các cơ sở cảng. 

TCCL và TCIT đảm bảo vẫn hoạt động bình thường 

Tại hội nghị có nhiều câu hỏi của các hãng tàu/doanh nghiệp liên quan đến trường hợp hàng lẻ, hàng chung chủ, hàng nhập nơi không có kho CFS (hệ thống được dùng để thu gom, chia tách hàng lẻ) có nằm trong hạng mục được chuyển về TCCL hay nơi có kho?

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc TCSG cho biết, hiện nay hàng vẫn được chuyển bình thường nhưng yêu cầu khách hàng nhận hàng sớm vì là hàng chung chủ và đưa về TCCL. Đối với thông tin mà các hãng tàu nhận được từ đại lý nước ngoài là hàng nhập đang bị ngừng tiếp nhận kể cả tại TCIT và TCCL. 

“Hiện nay lượng chiếm bãi ở TCCL là 85%, tất cả hoạt động xuất nhập khẩuđang diễn ra bình thường, việc chuyển hàng từ TCCL về TCHP (cảng Hiệp Phước) có sự kiểm soát, điều tiết một cách phù hợp, những hàng nào khách cam kết lấy hàng trong 2 ngày thì đưa về đây, còn hàng tồn lâu hoặc các nhà máy chưa sử dụng thì chưa được chuyển về. 

Đó là quy trình, phương án chuyển đối với những hàng quá 15 ngày, vấn đề này TCSG được sự đồng thuận của khách hàng/hãng tàu và phối hợp với cơ quan hải quan để chuyển nhưng lô hàng này đi. Hiện tại vẫn chưa thực hiện, chờ khi tình hình thật sự khó khăn mới thực hiện. Đây chỉ là giải pháp trong tương lai”, ông Quỳ khẳng định.

Đại diện hãng tàu RCL mong muốn được chia sẻ tình hình cầu bến tại TCCL vào tháng 8, 9? Nếu tình bệnh dịch trở nên xấu hơn thì TCSG sẽ có phương án dự phòng như thế nào?

Theo ông Quỳ, tình hình cầu bến ở TCCL vẫn bình thường tàu không phải chờ đợi, và nếu tình dịch trở nên xấu hơn thì TCSG sẽ chủ động ký hợp đồng với tất cả cảng bạn trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, TCIT để trong trường hợp TCCL không có cầu bến mà tàu phải chờ đợi sẽ đưa tàu sang các cảng bạn để xếp dỡ và giao hàng cho khách hàng.

Công ty Khang Phong nêu trường hợp công ty đã booking và tàu đã trên đường về cảng nhưng chưa thể cập cảng TCCL hoặc phải chờ lâu thì TCSG có biện pháp nào khắc phục?

Nguyễn Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm điều độ TCSG cho biết, TCCL đang hoạt động khá tối ưu vẫn đang tiếp nhận tàu/hàng bình thường. Do vậy, những lô hàng của những doanh nghiệp còn hoạt động chắc chắn sẽ được dỡ tại các TCCL cũng như các cảng khác. 

3 kịch bản cho thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 

Dự báo về sản lượng hàng qua các cảng phía Nam vào các tháng cuối năm 2021, TCSG cho rằng tùy thuộc lớn tình hình dịch bệnh COVID-19 và đưa ra 3 kịch bản.

Kịch bản 1: Dịch bệnh sẽ kiểm soát trong cuối quý 3, doanh nghiệp hoạt động trở lại. Dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua các cảng TP. Hồ Chí Minh vào các tháng cuối năm tăng 5% - 7% so với đầu năm. TCIT sẽ tăng từ 12% - 15%, do các hãng tàu chủ động điều khiển hàng từ TP. Hồ Chí Minh ra TCIT để đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu.

Kịch Bản 2: Dịch bệnh sẽ kiểm soát trong đầu quý 4, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng từ 3% - 5%, TCIT tăng từ 15% - 17%, do các hãng tàu tăng cường chuyển đổi về đây để phục vụ nhu cầu sản xuất. 

Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến quý 4, doanh nghiệp sẽ dần dần phục hồi nhưng chậm và ở hoạt động mức 7% công suất sản xuất. Dự kiến sản lượng thông qua TP. Hồ Chí Minh và TCIT tương đương với 6 tháng đầu năm.

Với các kịch bản trên cùng các giải pháp ngắn hạn, dài hạn và sự phối hợp của các hãng tàu, sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan TCSG tự tin sẽ đảm bảo được hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng một cách chắc chắn không để gián đoạn. TCSG đặt mục tiêu đảm bảo tồn bãi ở TCCL từ 85% - 86%. TCID đảm bảo dưới 80%.

“Với các giải pháp mà TCSG đưa ra sẽ có những khó khăn nhất định đối với một số nhóm khách hàng nhất định. Tuy nhiên chúng tôi xin khẳng định năng lực của TCSG hoàn toàn có thể đảm bảo được lượng hàng xuất nhập khẩu theo sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. TCSG rất mong muốn được sự đồng hành của các hãng tàu các cơ quan ban ngành để cảng Việt Nam có thể cạnh tranh với các cảng trong khu vực và quốc tế”, ông Lộc nhấn mạnh.