Tác động của đại dịch Covid-19 tới hệ thống cảng biển Việt Nam


Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới. Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành vận tải biển thế giới là rất rõ ràng. Năm 2020, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển thế giới giảm 4,1% so với năm 2019.

Dự báo, năm 2021 cũng không mấy khả quan khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bài viết này phân tích thực trạng hoạt động của hệ thống cảng biển Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn thách thức trong phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động cho hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hệ thống cảng biển Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển hệ thống cảng biển và đã đạt được những kết quả tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 4/2021, Việt Nam có 286 bến cảng/chiều dài khoảng 96 km cầu cảng (gấp hơn 4,5 lần năm 2000), với tổng lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng đạt 692,2 triệu tấn (gấp khoảng 9,4 lần năm 2000).

Tác động của đại dịch Covid-19 tới hệ thống cảng biển Việt Nam  - Ảnh 1

Hệ thống cảng biển ở Việt Nam được chia thành 6 nhóm theo thứ tự từ Bắc vào Nam. Cụ thể, nhóm 1: Cảng biển miền Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Nhóm 2: Cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; Nhóm 3: Cảng biển miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; Nhóm 4: Cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; Nhóm 5: Cảng biển miền Đông Nam Bộ; Nhóm 6: Cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 286 bến cảng chỉ có duy nhất một bến cảng chuyên dùng cho tàu khách quốc tế (cảng biển Quảng Ninh), 17 bến cảng container tập trung tại khu vực cảng biển Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu (Hải Phòng 6 bến; Khánh Hòa 1 bến; TP. Hồ Chí Minh 4 bến, Bà Rịa - Vũng Tàu 7 bến); còn lại là các bến cảng xăng dầu, khí hóa lỏng, chuyên dùng khác, đặc biệt là bến cảng tổng hợp chiếm đa số. Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh khai thác cảng biển hiện nay chủ yếu là tư nhân, cổ phần, liên doanh (Cục Hàng hải Việt Nam, 2021).

Theo công bố danh mục bến cảng, số lượng bến cảng tăng hàng năm trung bình khoảng trên 8 bến/ năm và trong 5 năm qua đã phát triển các bến cảng tại một số vùng nước cảng biển rất quy mô, hiện đại.

Thực trạng hoạt động của hệ thống cảng biển Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid- 19

Những thuận lợi

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng năm 2020, hệ thống cảng biển Việt Nam đã thông qua sản lượng hàng hóa đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 đạt 22,14 triệu Teus, tăng 13% so với năm 2019.

Tác động của đại dịch Covid-19 tới hệ thống cảng biển Việt Nam  - Ảnh 2

Nguyên nhân sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển duy trì trạng thái tăng trưởng tốt là do năm 2020, Việt Nam có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh khá tốt, hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa đường biển ít bị gián đoạn, các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực có hiệu lực đem đến động lực thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia khác; bờ biển dài, kết nối với các tuyến giao thương lớn; môi trường kinh tế, chính trị - xã hội ổn định và nhiều tiềm năng phát triển; lực lượng lao động dồi dào với năng suất lao động đang dần được cải thiện…

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020, khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao hơn so với năm 2019 gồm: Khu vực Thái Bình tăng 179%, khu vực Đồng Tháp tăng 95%, khu vực Thừa Thiên-Huế tăng 56,3% và khu vực Quảng Ngãi tăng 45%.

Bên cạnh đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt mức lớn nhất tại một số khu vực như: TP. Hồ Chí Minh đạt 25,26 triệu tấn, Vũng Tàu đạt 17,75 triệu tấn, Quảng Ninh đạt 14,7 triệu tấn và Hải Phòng đạt 14,47 triệu tấn.

Tiếp đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượt tàu nước ngoài cập cảng là 24.758 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020; còn tàu Việt Nam xuất nhập cảnh đạt 3.070 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặt khác, hệ thống cảng biển tại các khu vực đã tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên thông qua các biện pháp như: Đo thân nhiệt, quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho khách, sổ ghi chép và bố trí nhân viên tổ chức kiểm soát người ra, vào cảng...

Khu vực làm thủ tục cũng được giới hạn số ghế ngồi nhằm đảm bảo khoảng cách phù hợp cho khách hàng làm thủ tục tại cảng. Những giải pháp phòng, chống dịch bệnh đồng bộ này đã giúp hệ thống cảng biển vẫn đảm bảo hoạt động thông qua hàng hóa an toàn, thông suốt và đặc biệt chưa có cho cảng biển phải đóng cửa hoặc gián đoạn hoạt động.

Nguy cơ, thách thức

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tất cả các trường hợp làm việc tại cảng phải được trang bị các biện pháp phòng chống dịch và chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong những trường hợp thật cần thiết và giữ khoảng cách theo quy định. Nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ, thì nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể xảy ra.

Tác động của đại dịch Covid-19 tới hệ thống cảng biển Việt Nam  - Ảnh 3

Để bảo đảm cho các cảng biển hoạt động đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cần áp dụng các biện pháp phù hợp như: Hạn chế việc di chuyển, đi lại của các tàu; ra công điện, công hàm gửi tới các cảng biển trên toàn thế giới không tiếp nhận hàng hóa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19; bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng cảng, cũng như duy trì hoạt động của cảng và tính liên tục trong kinh doanh.

Giải pháp tăng cường hoạt động cho hệ thống cảng biển Việt Nam

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho hệ thống cảng biển Việt Nam cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo quy định từ khi có dịch bệnh Covid-19, tại các cảng biển Việt Nam các tàu quốc tế có nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 phải cách ly hoàn toàn với đất liền.

Khi một tàu đã đi qua các hải cảng quốc tế vào neo đậu tại bến cảng thì những thuyền viên trên tàu là những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 cao, cần phải áp dụng các biện pháp, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh cho những người trên đất liền. Tàu neo đậu ở cảng được xem như là một “đơn vị cách ly”, thực hiện những biện pháp để giám sát chặt chẽ người lên, xuống tàu.

Những người trên tàu không được lên bờ trừ những trường hợp được cho phép như kết thúc hợp đồng làm việc, cần điều trị bệnh... Và tất cả đều phải được thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh (cách ly tập trung, xét nghiệm dịch bệnh Covid-19…).

Những người làm việc tại cảng biển bắt buộc phải lên tàu để làm việc đều phải được bộ đội biên phòng cho phép mới được xuống tàu làm việc. Các trường hợp này đều phải được trang bị phòng hộ, không tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong những trường hợp thật cần thiết và giữ khoảng cách theo quy định.

Bên cạnh các quy định về phòng hộ khi lên tàu thì việc giám sát cũng được đặt ra nghiêm ngặt, tránh người xuống tàu bất hợp pháp và ngược lại là thuyền viên lên bờ bất hợp pháp. Mặt khác, cảng biển cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định; tăng cường các biện pháp giám sát bằng camera trong quá trình tàu neo đậu tại cảng, tại phao để giám sát việc lên xuống tàu; không để xảy ra tình trạng xuống tàu hoặc lên bờ bất hợp pháp; xây dựng bảng tiêu chí an toàn phòng chống dịch để đánh giá các bến cảng, phao. Các đơn vị bến cảng, phao phải thường xuyên đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Các bến cảng, phao không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không đảm bảo an toàn đề xuất không được tiếp nhận các tàu quốc tế neo đậu; đề nghị các công ty, nhân viên, công nhân làm việc tại cảng cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của bến cảng, phao….; mở rộng việc tiêm vắc xin cho các nhân viên bắt buộc phải lên tàu và có tiếp xúc với thuyền viên như: Nhân viên hoa tiêu, nhân viên điều độ.

Thứ hai, đẩy mạnh số hóa cho hệ thống cảng biển. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tăng cường số hóa trong các hoạt động sẽ giúp giảm lượt tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm. Mô hình cảng thông minh với các phương pháp lập kế hoạch hiện đại và chính xác đã cung cấp khả năng hiển thị sớm, cho phép khởi tạo chính xác hơn để lập bản đồ di chuyển hàng hóa.

Thứ ba, điều chỉnh hoạt động của cảng biển: Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, các cảng biển cần tiếp tục điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp. Hoạt động điều chỉnh đầu tiên là tạo ra “làn đường ưu tiên” cho hàng hóa y tế và thực phẩm và các loại dịch vụ thiết yếu khác (sản xuất dầu, xử lý nhiên liệu...).

Các làn đường này ưu tiên cho các tàu chuyên chở, đảm bảo sự sẵn sàng của các hoa tiêu và tàu lai cùng với các dịch vụ bốc dỡ hàng hóa và xe tải. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn, đồng thời giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, các cảng biển cần ngừng cung cấp các dịch vụ không thiết yếu; Thay vào đó, ưu tiên và đảm bảo tính liên tục của các hoạt động cảng cốt lõi như tiếp cận hàng hải, cập cảng và hoạt động hàng hóa.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Hàng hải Việt Nam (2020, 2021), Báo cáo tổng kết năm 2020, 2021, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội;

2. Tổng cục Thống kê (2020-2021), Niên giám thống kê giai đoạn 2020-2021, NXB Thống kê, Hà Nội;

3. UNCTAD (2020), Review of maritime transport.

(*) ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Khoa Quản trị - Tài chính, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.