EU ban hành một số quy định mới đối với hàng hóa nhập khẩu
Từ 21/4/2021, nhiều quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực, đáng chú ý là việc gia tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát khẩn cấp với mặt hàng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hay mẫu chứng thư mới với thủy sản nhập khẩu.
Quy định rõ các loại hàng hóa được nhập cảnh
Ngày 24/3/2021, EU ban hành quy định (EU) 2021/405 đưa ra danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU đối với một số động vật và hàng hóa nhất định dành cho tiêu dùng của con người của theo quy định (EU) 2017/625 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Theo đó, một số động vật và hàng hóa nhất định của Việt Nam được phép nhập cảnh vào EU, theo:
- Phụ lục VIII - Danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU đối với các lô hàng nhuyễn thể hai mảnh sống, ướp lạnh, đông lạnh hoặc đã qua chế biến, động vật da gai, động vật sống đuôi, động vật chân bụng theo Điều 12 của Quy định.
- Phụ lục IX - Danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU các lô hàng thủy sản nhất định theo Điều 13, 18, 19, 20, 22 và 25 của Quy định.
- Phụ lục XI - Danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU các lô hàng là chân ếch và ốc theo Điều 17 của Quy định.
- Phụ lục XIV - Danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU các lô hàng là thịt các loài bò sát theo Điều 23 của Quy định.
- Phụ lục XV - Danh sách các nước thứ ba hoặc khu vực được phép nhập cảnh vào EU các lô hàng là thịt các côn trùng theo Điều 24 của Quy định.
Quy định (EU) 2021/405 áp dụng kể từ ngày 21/4/2021.
Siết chặt kiểm soát thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu
Ngày 14/4/2021, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định (EU) 2021/608 sửa đổi thực hiện Quy định (EU) 2019/1793 về việc gia tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba nhập khẩu vào EU thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Cụ thể, Điều 11 yêu cầu mỗi lô hàng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được liệt kê trong phụ lục II phải kèm theo một giấy chứng nhận chính thức theo mẫu quy định của phụ lục IV của Quy định này.
Chứng nhận chính thức phải tuân theo các yêu cầu về cơ quan có thẩm quyền của nước thứ ba cấp, mã nhận dạng, chữ ký của cán bộ nhận dạng và con dấu chính thức, ngôn ngữ của giấy chứng nhận, màu sắc của chữ ký và con dấu, thời gian của giấy chứng nhận không quá 4 tháng kể từ ngày cấp, nhưng trong mọi trường hợp không quá 6 tháng kể từ ngày có kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm…
Quy định cũng nêu rõ các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường kiểm tra tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới.
Theo đó, Việt Nam chịu sự kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với lá rau mùi, húng quế, cây bạc hà tươi hoặc ướp lạnh; đậu bắp ướp lạnh hoặc đông lạnh, ớt thuộc loài Capsicum (trừ ớt ngọt) ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Ngoài ra, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ các nước thứ ba phải tuân theo các điều kiện đặc biệt khi hàng hóa vào EU do nguy cơ ô nhiễm bởi mycotoxin, bao gồm aflatoxin, dư lượng thuốc trừ sâu, pentachlorophenol và dioxin, và ô nhiễm vi sinh. Theo đó, Việt Nam chịu sự kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu đối với thanh long tươi hoặc ướp lạnh. Quy định (EU) 2021/608 áp dụng từ ngày 21/4/2021.
Mẫu chứng thư mới cho thủy sản nhập khẩu
Ngày 16/12/2020, Uỷ ban châu Âu đã ban hành Quy định số 2020/2235 liên quan tới mẫu chứng thư mới cho một số sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu vào châu Âu. Quy định này có hiệu lực từ ngày 21/4/2021 và thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021.
Trong hai ngày 14-15/4/2021, Ủy ban châu Âu ban hành quy định (EU) 2021/617 và (EU) 2021/619 sửa đổi quy định số (EU) 2020/2235, (EU) 2020/2236 và (EU) 2021/403 liên quan đến mẫu chứng thư và thời hạn chuyển tiếp.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Quy định số 2020/2235 của Uỷ ban châu Âu có một số nội dung tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi đưa hàng vào châu Âu.
Cụ thể, mẫu chứng thư cho sản phẩm thủy sản, nhuyễn thể, giáp xác sống, đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, sản phẩm tổng hợp (composite) từ nước thứ 3 xuất khẩu vào thị trường EU hiện đang được áp dụng theo Quy định số 2019/628 ngày 8/4/2019 của Uỷ ban châu Âu sẽ được chuyển đổi tham chiếu tương ứng tại Quy định số 2020/2235 kể từ ngày 21/4/2021.
Ngoài ra, Uỷ ban châu Âu còn đưa ra một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite).
“Do đó, để tránh các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định nêu trên trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường châu Âu. Đặc biệt, phải nghiên cứu mẫu và hướng dẫn khai báo các nội dung trong chứng thư mới để đảm bảo thực hiện đúng, chính xác khi đăng ký thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu sau ngày 21/4/2021”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhấn mạnh.