Để doanh nghiệp khai tử đúng luật

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Tính đến hết tháng 8/2013, theo thông tin mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động không đăng ký đã lên tới 141.000.

Để doanh nghiệp khai tử đúng luật
Đến hết tháng 8/2013, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký đã lên tới 141.000. Nguồn: internet
Cho dù vì bất cứ lý do gì, thì các DN này đang vi phạm quy định pháp luật, xâm hại quyền lợi của chủ nợ, đối tác, người lao động. Đó là chưa kể những vi phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước...

Thế nhưng, lỗi “chết treo” không hoàn toàn thuộc về những DN trên.

Với tốc độ thực hiện các quy định hiện hành về giải thể DN (mức trung bình khoảng 10.000 DN/năm), thì phải mất hơn 14 năm để số DN trên hoàn tất các thủ tục liên quan trước khi chính thức được “chết”.

Còn nếu thực hiện thủ tục phá sản, thì khoảng thời gian cần thiết để chuyển trạng thái DN từ “chết treo” sang “chết thật” là không thể xác định.

Trong 9 năm thi hành Luật Phá sản năm 2004, tổng số đơn yêu cầu tuyên bố phá sản được tòa án thụ lý là 336.

Trong đó, 83 trường hợp được tòa án tuyên phá sản, 153 vụ việc dù đã mở thủ tục phá sản, nhưng chưa ra được quyết định tuyên bố phá sản. Số còn lại chưa mở thủ tục phá sản.

Có thể thấy, số lượng đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản so với số lượng DN ngừng hoạt động là rất thấp. Rõ ràng, quy định pháp luật phá sản hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu tuyên bố phá sản.

Theo quy luật thị trường, có DN khai sinh, tất có DN khai tử. Khung khổ pháp lý được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Như vậy, mục tiêu của Luật Phá sản là thể chế hóa chính sách kinh tế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho những DN đang trong tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội rời thị trường một cách có trật tự.

Các quy định này cũng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội.

Với tinh thần này, nếu các quy định của Luật Phá sản bảo đảm phân định rõ trình tự và thủ tục một cách công khai, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, nhanh gọn, công bằng, thì chắc chắn, DN khó có thể tránh được các thủ tục phải làm này khi không còn khả năng hoạt động.

Thực tế cho thấy, sau 9 năm thực thi, các quy định của Luật Phá sản năm 2004 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Có những quy định trong Luật Phá sản chưa tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), thiếu rõ ràng và dẫn đến cách hiểu khác nhau; có những quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế...

Đơn giản, nhưng cần thiết nhất là quy định thế nào là DN lâm vào tình trạng phá sản cũng không được cụ thể hóa, bởi Luật mới chỉ xác định đó là DN không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn mà không đưa ra thời hạn cụ thể…

Yêu cầu cấp bách từ thực tiễn là việc sửa đổi Luật Phá sản phải khắc phục các quy định chưa phù hợp, gây khó khăn khi áp dụng, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Cùng với đó, những thủ tục liên quan đến giải thể DN còn phải đảm bảo khuyến khích các DN tự nguyện giải thể khi không còn phù hợp với thương trường… Chỉ khi đó, trong hệ thống dữ liệu về DN, số DN bị liệt vào diện “chết treo” mới không còn.

Thiết nghĩ, đây cũng là những vấn đề quan trọng, cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cụ thể khi cho ý kiến về Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) trong phiên họp diễn ra hôm nay (13/9).