Cẩn trọng khi phá giá đồng nội tệ

Mạnh Bôn (Theo ĐTCK)

Chính phủ cần tăng cường sự quản lý đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, nếu can thiệp quá mức cần thiết sẽ làm thui chột thị trường này và đi ngược với sự phát triển.

Linh hoạt trong chính sách tỷ giá, lựa chọn mặt hàng có thế mạnh để xuất khẩu và huy động các nguồn lực cần thiết là những vấn đề cần thực hiện để giảm thiểu tác động tới Việt Nam của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Lấy ví dụ từ vụ lừa đảo 50 tỷ USD của Bernard Madoff trên thị trường tài chính Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không hoàn toàn do sự méo mó của cơ chế thị trường, mà còn do sự quản lý thị trường tài chính lỏng lẻo của các chính phủ.

“Chính phủ cần tăng cường sự quản lý đối với thị trường tài chính nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới đến nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nếu can thiệp quá sâu, quá mức cần thiết sẽ làm thui chột thị trường này và đi ngược với sự phát triển”, ông Lược phát biểu.

Dự báo tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tới Việt Nam trong năm 2009 và những năm tiếp theo, tại cuộc Hội thảo khủng hoảng tài chính toàn cầu – thách thức và cơ hội đối với Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ chịu tác động rất lớn và sự tác động đó sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp, nguồn thu của Chính phủ và dự trữ ngoại tệ sẽ giảm xuống.

“Sức cầu thế giới dự kiến sẽ sụt giảm hơn 1.000 tỷ USD do giá trị tài sản tài chính sụt giảm; hầu hết các đối tác thương mại của Việt Nam đã và đang rơi vào suy thoái; giá cả hầu hết các loại hàng hoá dự báo tiếp tục giảm mạnh đến hết nửa đầu năm 2009”, ông Hải nhận định.

Ông Hải cho biết, để đối phó với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, hầu hết các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam đều đang áp dụng chính sách phá giá đồng nội tệ để gia tăng xuất khẩu (năm 2008, tỷ giá VND/USD chỉ giảm 8,6% trong khi đó, đồng bản tệ của Thái Lan mất giá 16%; Philippines mất giá 15,3%; Indonesia mất giá 17,2% so với USD).

Theo ông Hải, năm 2009, nếu các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam tiếp tục phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu thì nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 không thể đạt mục tiêu, thậm chí còn bị giảm 3% so với năm 2008. “Hệ quả của nó là, nếu không tạo ra được việc làm mới, số người thất nghiệp có thể lên đến 3,4 triệu người, tương đương với 7% số lao động”, ông Hải dự báo.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 đạt khoảng 1%, trong đó các nước đang phát triển tăng trưởng 4 - 5%, còn các nền kinh tế lớn mới nổi như Ấn Độ sẽ tăng 7 - 8%, các nước ASEAN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.

Chính vì vậy, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến, nền kinh tế Việt Nam không có lý do gì mà không đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đặt ra (tăng trưởng 6,5%).

“Nền kinh tế Brazil lớn hơn Việt Nam rất nhiều và cũng phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, nhưng họ bị tác động rất ít từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, bởi Brazil chú trọng xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.

Đây là bài học để điều hành chính sách xuất khẩu trong năm 2009 và những năm tiếp theo”, ông Tiến nói.

Luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các thị trường mới nổi năm 2009 được dự báo sẽ giảm khoảng 100 tỷ USD, nên theo các chuyên gia kinh tế, chắc chắn việc thu hút nguồn vốn này của Việt Nam năm 2009 sẽ giảm.

Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Dragon Capital, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra, không còn cách nào khác là phải gia tăng đầu tư của khu vực Nhà nước (hiện chiếm 28,9% tổng đầu tư toàn xã hội) và đặc biệt là khu vực tư nhân (chiếm 29,8%).

Muốn huy động được nguồn vốn trong dân chúng theo ông Dominic Scriven, NHNN cần phải thay đổi chính sách điều hành lãi suất.

“Lãi suất cơ bản không thực hiện đúng vai trò của nó, bởi lãi suất cho vay bị khống chế mức trần tối đa. Việc hạ lãi suất cơ bản liên tục trong thời gian vừa qua, khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt cho vay vì lãi suất không bù được rủi ro cho một số đối tượng khách hàng.

Điều này trái ngược với mục tiêu nới rộng chính sách tiền tệ của Chính phủ”, ông Dominic Scriven phát biểu và cho rằng, để người dân yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, thì chính sách sách lãi suất phải ổn định, nhất quán, tránh tạo ra cú sốc cho thị trường.

“Hiện NHNN chỉ đưa ra lãi suất cố định, đấu giá theo khối lượng trên thị trường mở, nên chỉ có các ngân hàng lớn mới vay được vốn rẻ từ NHNN sau đó cho các ngân hàng nhỏ vay lại với lãi suất cao hơn và hệ quả là người vay vốn vẫn phải chịu lãi suất cao, làm tăng chi phí đầu vào và giảm sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN cần phải thay đổi phương pháp đấu giá trên thị trường mở”, Dominic Scriven kiến nghị.

Theo chuyên gia kinh tế Scott Roberson của Dragon Capital, nguồn ngoại tệ và vàng nằm trong dân chúng dưới dạng cất trữ còn rất lớn, cần phải có chính sách để huy động nguồn vốn này để đưa vào đầu tư, trong đó cần khuyến khích phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ.

“Do tâm lý người dân vẫn chưa thực sự yên tâm khi đầu tư vào trái phiếu bằng nội tệ vì sợ đồng tiền mất giá, nên nếu huy động trái phiếu bằng ngoại tệ sẽ thu hút người dân tham gia và Chính phủ có nguồn để đầu tư”, ông Scott Roberson phát biểu và khuyến cáo các cơ quan quản lý Nhà nước phải cân nhắc hết sức cẩn trọng trước khi phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, bởi việc phá giá chưa chắc đã hỗ trợ được xuất khẩu trong khi để lại nhiều hậu quả sau này.