Trốn bảo hiểm xã hội, xử lý cách nào?

Luật sư Lê Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC

Pháp luật và thực thi pháp luật chưa đủ nghiêm khắc góp một phần khá lớn trong thực trạng chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay.

 Trốn bảo hiểm xã hội, xử lý cách nào?
Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 3/2013, đã có hơn 10.000 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Thông tin từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội cho biết, 2 tháng đầu năm, chi bảo hiểm xã hội (BHXH) vượt thu đến 7.900 tỷ đồng. Tại các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Bình..., số nợ đọng BHXH đã tăng đột biến trong 5 tháng đầu năm 2013. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 3/2013, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH từ 3 tháng trở lên.

Thực trạng này dẫn đến tình trạng, quỹ BHXH, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sẽ bắt đầu thâm hụt và cạn kiệt vào năm 2029. Suy thoái kinh tế khiến nhiều DN khó khăn nên chây ỳ nghĩa vụ BHXH, nhưng bên cạnh đó có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là chế tài xử lý DN vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Người làm - người chịu

Mục đích của việc đóng BHXH là giúp người lao động được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH trong các trường hợp như ốm đau, mất việc, tai nạn lao động… Khi người lao động nghỉ việc, việc chậm đóng BHXH của DN khiến việc chốt sổ chậm và họ không được nhận sổ BHXH theo đúng hạn như quy định của Luật Lao động.

Trên thực tế, thời gian mà người lao động nhận được sổ BHXH thường là từ 1 - 2 tháng sau khi chấm dứt làm việc, thậm chí lâu hơn. Điều đó cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động khi họ muốn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vì để được hưởng quyền lợi này trong vòng 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải mang quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm ra đăng ký với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Hàng tháng, người lao động đã bị trừ trực tiếp tiền BHXH vào thu nhập và không có lỗi gì trong việc chậm nộp BHXH, nhưng lại là chủ thể chính chịu rủi ro khi người sử dụng lao động vi phạm. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2013, nợ đọng BHXH đã ở mức 10.400 tỷ đồng. Trong các tháng tiếp theo, nợ BHXH còn tiếp tục gia tăng, với quy mô lớn hơn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nợ và chậm đóng BHXH. Khách quan là do tình hình kinh tế - xã hội gặp khó khăn, khiến nhiều DN không có khả năng tài chính để đóng đủ, đúng hạn tiền BHXH. Chủ quan là do nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đóng BHXH của các DN và do cơ chế, chính sách pháp luật, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý các trường hợp vi phạm. Chính vì yếu tố này mà không ít DN đã cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng tiền, phục vụ đầu tư, kinh doanh khác…

Hiện tại, đối với hành vi chậm đóng BHXH, Điều 9 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP quy định phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật BHXH cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng. Mức phạt này rõ ràng là quá thấp, khiến tất yếu nảy sinh tâm lý chiếm dụng tạm thời số tiền đóng BHXH để sử dụng sai mục đích.

Đối với những DN chậm đóng trong thời gian từ 30 ngày trở lên còn bị buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Tuy nhiên, được biết, mức lãi suất của hoạt động đầu tư hiện nay của Quỹ BHXH ở mức rất thấp, khoảng 10%/năm, do vậy, hình thức xử phạt này cũng không đủ mức răn đe.

Trường hợp DN bị phạt mà không chịu nộp phạt, biện pháp cưỡng chế được coi là hiệu quả tức thì là trích tiền từ tài khoản của DN tại ngân hàng. Tuy nhiên, thủ tục trích tiền chưa đủ chặt chẽ, DN có thể trốn tránh dễ dàng.

Về việc thanh tra và xử lý các đơn vị vi phạm, Điều 43 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP quy định, chỉ có UBND các cấp và Thanh tra Sở LĐTBXH mới có thẩm quyền tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH, cơ quan Bảo hiểm Xã hội không có chức năng thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm. Điều này rõ ràng đã làm giảm sức mạnh của cơ quan này. Đây cũng là bất cập cần xem xét lại.

Khoản 3 Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự có cho phép cơ quan Bảo hiểm Xã hội khởi kiện DN để yêu cầu nộp tiền BHXH. Trên thực tế, đã có nhiều vụ kiện dạng này, nhưng kết quả thu lại chẳng được bao nhiêu do bất cập trong vấn đề tố tụng và thi hành án.

Tóm lại, tôi cho rằng, pháp luật và thực thi pháp luật chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc góp một phần khá lớn trong thực trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH hiện nay.

Cần định rõ tội danh

Bộ luật Hình sự hiện hành không có nội dung nào quy định trực tiếp về tội danh trốn tránh nghĩa vụ BHXH. Do đó, sẽ rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân vi phạm Luật BHXH.

Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy rõ ràng rằng, một cá nhân đang sử dụng số tiền đã trích từ thu nhập của người lao động để đóng BHXH cho người đó mà không chịu nộp cho cơ quan BHXH sau khi đã bị cơ quan này yêu cầu nộp, thì phải bị xử lý theo tội sử dụng trái phép tài sản của người khác quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, nên tính đến việc quy định rõ tội danh cho hành vi chây ỳ, chiếm dụng số tiền đóng BHXH. Cả mức phạt hành chính và thậm chí là quy định tội danh hình sự cụ thể cho các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH. Mức hành chính thì phải đủ cao để DN không nghĩ đến việc chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH cho mục đích sinh lời cao hơn. Đồng thời, phải tổ chức cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt, trong đó có biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản của DN vi phạm.

Biện pháp xử lý về mặt pháp luật nói trên chỉ xử lý được vấn đề cố tình trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH. Vì nhiều DN thực sự không có đủ tiền để nộp, tức do yếu tố khách quan kinh tế khó khăn, bài toán cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển cần phải xem như một giải pháp dài hơi và bền vững.

Trước mắt, tôi cho rằng, chính người lao động hãy tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu DN nơi người lao động làm việc vi phạm quy định về nộp BHXH, họ có quyền khiếu nại trực tiếp với DN, hoặc khởi kiện tại Toà án hoặc khiếu nại đến Sở LĐTBXH nơi người lao động làm việc. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Sở LĐTBXH hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án.