Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

Theo Gia Nguyễn/diendandoanhnghiep.vn

Xoay quanh đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, đây là bước chuyển kịp thời, phù hợp thực tiễn để “lấp” khoảng trống pháp lý quản lý tiền ảo hiện nay…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không phải là sản phẩm công nghệ mới, thế nhưng, với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, tiền ảo, tài sản ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trong đó, các đối tượng tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền “sạch” hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Thực tế hiện nay, Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp về việc “Rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện” cũng đã đề cập đến việc tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp trong đó có rửa tiền, tài trợ khủng bố (chủ yếu do tính ẩn danh khi các thông tin cụ thể được mã hóa và chỉ có người sở hữu khóa cá nhân mới truy cập được vào các thông tin này).

Đáng nói, hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động trong thời gian qua, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng để tìm thấy và tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch tiền ảo ở Việt Nam. Trong khi, hệ thống pháp luật tại Việt Nam hiện nay chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.

Theo đó, các hoạt động trao đổi, mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo hiện vẫn đang năm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào.

Từ hiện trạng đã nêu, chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, đặc biệt là các rủi ro liên quan về rửa tiền và tài trợ khủng bố, thì việc đưa sản phẩm này vào trong nội dung xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) điều chỉnh, tạo ra hành lang pháp lý quản lý là phù hợp thực tiễn hiện nay.

Thực tế, trước những hệ lụy tiềm ẩn của tiền ảo, tài sản ảo, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố quốc tế (FATF) cũng từng khuyến cáo, để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, đồng thời hoạt động này phải đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.

Theo FATF, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) cần chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố gồm các tổ chức và cá nhân thực hiện hoặc đại diện cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các hoạt động: đổi, hoán đổi giữa tài sản ảo và các loại tiền tệ pháp định; đổi, hoán đổi giữa các hình thức tài sản ảo; chuyển nhượng tài sản ảo; bảo quản hoặc quản lý tài sản ảo hoặc các công cụ có khả năng kiểm soát tài sản ảo; tham gia và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến phát hành hoặc bán tài sản ảo của một tổ chức phát hành.

Định nghĩa này của FATF cho thấy, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) có thể thuộc nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, chứng khoán, tổ chức chấp nhận, quản lý tài sản ảo, các tổ chức cung ứng nền tảng công nghệ thông tin liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo…

Do đó, bên cạnh việc cần thiết mở rộng đối tượng đưa tiền ảo, tài sản ảo vào điều chỉnh trong nội dung xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), một số ý kiến cũng khuyến nghị, việc luật hóa hoạt động này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội, đối tượng tác động cũng như lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật.