Công ty Gia Tuệ có dấu hiệu lừa đảo nhà đầu tư?

Phùng Bình (Pháp lý)

Một dự án chưa hề được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép đầu tư, nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Gia Tuệ vẫn tự vẽ ra rất hoành tráng để kêu gọi nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn xây dựng. Sau một thời gian dài không thấy dự án được triển khai, bỏ công ra tìm hiểu thì nhà đầu tư mới vỡ lẽ là chả có dự án nào hoành tráng như vị Giám đốc đã thuyết trình trước đó. Thậm chí, sau nhiều tháng thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận, nhà đầu tư cũng “ôm hận” vì không được hoàn trả tiền đã tham gia góp vốn trước đó, còn ông Tổng giám đốc cũng “biệt tăm” không tung tích…

Công ty Gia Tuệ có dấu hiệu lừa đảo nhà đầu tư?
Dự án La Fotana đến nay là một bãi đất hoang không hơn, không kém

“Vẽ” Dự án hoành tráng để “hút” tiền

Bắt đầu từ cuối năm 2008, dự án La Fonatana của Công ty Gia Tuệ được quảng cáo là một tổ hợp gồm 3 tòa nhà liên kết 27 tầng được thiết kế theo phong cách hiện đại cao cấp bậc nhất với giá vô cùng hợp lý. Dự án được giới thiệu là thực hiện từ năm 2008 đến cuối 2013 sẽ hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng.

Nhưng đến nay, sau hơn 4 năm “quảng cáo” rầm rộ, dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc xanh um tùm còn nhà đầu tư thì tá hỏa đi đòi lại khoản tiền đã góp dưới hình thức Hợp đồng Hợp tác đầu tư (HĐHTĐT) với Công ty Gia Tuệ làm chủ dự án.

Theo đơn thư tố cáo của ông Trịnh Duy Tinh ở phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, khoảng cuối năm 2010, qua lời giới thiệu của một người quen, ông đã gặp ông Trần Minh Hoàng, là Giám đốc công ty Gia Tuệ để tìm hiểu về một số dự án bất động sản của công ty này đang triển khai. Sau khi nghe thuyết trình về các dự án nằm ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội), ông đã đồng ý mua 03 căn hộ chung cư với diện tích tương đương là 2 căn 75m2, 1 căn 90m2 thuộc Dự án tổ hợp nhà ở La Fontana tại thôn Giao Quang (xã Đại Mỗ). Tất cả các hợp đồng đều được ký kết dưới dạng HĐHTĐT.

“Trước khi tham gia góp vốn, tôi đã găp trực tiếp ông Hoàng và được ông này cho biết Dự án đang được triển khai. Tôi đã tham gia đóng góp vào Công ty Gia Tuệ 3 hợp đồng với tổng trị giá là 1.387.500.000 đồng. Chúng tôi đồng ý tham gia dưới hình thức góp vốn lập và thực hiện dự án với giá trị tối đa không quá 10% tổng mức đầu tư dự án”, ông Tinh nói. Đồng thời, Công ty Gia Tuệ cam kết Dự án được triển khai theo đúng các trình tự, quy định hiện hành của pháp luật. Theo thông tin từ phía Công ty Gia Tuệ thi công tác thực hiện Dự án đầu tư đã được triển khai và dự kiến hoàn thành vào quý II năm 2013.

Đến ngày 14-01-2012, không hiểu nguyên nhân gì, Công ty Gia Tuệ thông báo cho ông Tinh rằng Dự án không thể thực hiện được và yêu ông Trịnh Duy Tinh lên thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đã góp vốn đầu tư trước đó. “Mặc dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng chúng tôi cũng lên Công ty. Sau khi tìm hiểu thì chúng tôi được biết, dự án La Fonatana của Công ty Gia Tuệ chỉ mới ở bước xin chấp thuận địa điểm để lập dự án. Nhưng không hiểu sao Công ty đã đi huy động vốn của các khách hàng, nhà đầu tư?”, ông Tinh bày tỏ về những khuất tất của Công ty Gia Tuệ.

Ông Tinh cho rằng “Công ty Gia Tuệ đã cố tình lợi dụng chúng tôi để huy động vốn nhằm mục đích khác của công ty và cá nhân ông Giám đốc Trần Minh Hoàng. Bởi không hề có Dự án tổ hợp nhà ở La Fontana nào tại thôn Giao Quang như các hợp đồng đã ký kết và tìm hiểu ra, chúng tôi cũng được biết Dự án này cũng chưa hề được cấp phép đầu tư”.

Điều đáng nói ở đây, là sau khi nhận tiền của rất nhiều nhà đầu tư và khi thông báo nhà đầu tư lên thanh lý hợp đồng, Công ty Gia Tuệ chưa hề trả lại tiền cho bất kỳ một nhà đầu tư nào.

Vậy vấn đề đặt ra, vì sao Công ty Gia Tuệ cố tình “phù phép” dự án để huy động vốn và ẩn chứa đằng sau việc này nhằm mục đích gì?

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án La Fonatana của Công ty Gia Tuệ tại thôn Giao Quang, xã Đại Mỗ chưa bao giờ được cấp phép đầu tư mà chỉ mới ở bước xin chấp thuận địa điểm để lập dự án.

Trong HĐHTĐT mà Công ty Gia Tuệ ký kết với các nhà đầu tư thì mặt bằng lập Dự án có tổng diện tích 12,215m2 tại thôn Giao Quang, xã Đại Mỗ. Tuy nhiên, được biết, cuối năm 2008 UBND TP Hà Nội có giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc (Sở QHKT) kiểm tra về quy hoạch kiến trúc khu đất gần 8000m2 mà Gia Tuệ đề nghị được lập dự án đầu tư.

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2012_11_27/12.24-300x139.jpg

Cộng đồng mạng sôi sục vì hành vi có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Gia Tuệ.

Ngày 23/01/2009, Sở QHKT có văn bản báo cáo về thực trạng khu đất mà Gia Tuệ muốn đầu tư dự án La Fontana. Trong văn bản này cho thấy, phần lớn khu đất nằm trong ô quy hoạch có ký hiệu N8 có chức năng là đất ở xây dựng mới, thuộc phạm vi quy hoạch chi tiết 1/500 của khu nhà ở Đại Mỗ đã được Thành phố phê duyệt từ năm 2003. Bên cạnh đó cũng có một phần đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Đại Mỗ và nhiều hộ dân đã được cấp sổ đỏ.

Với nguồn gốc đất của khu gần 8.000m2 như trên, Công ty Gia Tuệ xin lập dự án đầu tư theo phương thức các hộ dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất và sử dụng một số đất đai lưu không xen kẹt để làm dự án. Tuy nhiên, trong hồ sơ mà Công ty Gia Tuệ gửi Sở QHKT khi đó lại không có các giấy tờ, văn bản pháp lý về các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đai tại đây nên đã không được các cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương.

Như vậy có thể thấy, mặc dù chưa được Thành phố chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án nhưng Gia Tuệ vẫn thực hiện huy động vốn từ các nhà đầu tư đến nay không biết để làm gì?

Không những vậy, đến nay sau gần 1 năm kể từ ngày thanh lý hợp đồng, các nhà đầu tư cũng không hề nhận lại được khoản tiền đã tham gia góp vốn trước đó. Theo chúng tôi được biết thì tại trụ sở Công ty Gia Tuệ 82-84 Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều lần các nhà đầu tư đã tập trung để đòi tiền nhưng không được đáp ứng. Ông Trịnh Duy Tinh cho biết, “mặc dù đã rất nhiều lần chúng tôi yêu cầu Công ty Gia Tuệ cũng như bản thân ông Giám đốc Trần Minh Hoàng tôn trọng Hợp đồng đã ký nhưng không hề được giải quyết. Cũng đã rất nhiều lần, chúng tôi đã goi điện và đến gặp trực tiếp ông Trần Minh Hoàng nhưng không bao giờ găp được”.

Ông Tinh cho rằng, Công ty Gia Tuệ mà ông Trần Minh Hoàng làm Giám đốc đang có hành vi lợi dụng lòng tin của các nhà đầu tư nhằm vẽ ra các dự án “ảo” để thu hút vốn trái phép hoặc là lừa đảo.

Nhằm làm rõ nội dung tố cáo, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc và đặt lịch hẹn với ông Giám đốc Trần Minh Hoàng tại trụ sở Công ty Gia Tuệ nhưng đều không nhận được thông tin phản hồi. Nhiều lần trao đổi qua điện thoại, ông Trần Minh Hoàng đều thăm dò ai là người tố cáo hành vi của mình, nhưng gọi điện hoặc nhắn tin hẹn lịch gặp thì ông Hoàng đều “bặt vô âm tín”.

Được biết, ngoài ông Trịnh Duy Tinh, Dự án La Fontana cũng khiến rất nhiều nhà đầu tư “dính chưởng” giờ phải khóc dở, mếu dở vì không biết làm sao để đòi tiền. Đến nay, với hình thức góp vốn đầu tư này, ông Hoàng đã huy động được hàng chục tỉ đồng của các nhà đầu tư nhưng chỉ số ít lấy được tiền đã góp vốn trước đó.

Hiện nay trên các diễn đàn bất động sản, có rất nhiều nhà đầu tư bức xúc về việc làm có dấu hiệu lừa đảo của vị Giám đốc Trần Minh Hoàng. Ở đó, nhiều cá nhân cũng truyền lại “kinh nghiệm” để có thể lấy lại được một phần tiền đã tham gia góp vốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, với những việc làm của vị Giám đốc công ty Gia Tuệ Trần Minh Hoàng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ hành vi xem ông Hoàng đã huy động vốn với mục đích gì? Nếu có dấu hiệu lừa đảo, cần sớm được làm rõ để đưa ra cảnh báo cho nhiều người đang có ý định đầu tư vào các “dự án” của Gia Tuệ.

Luật sư Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Luật Khánh Việt: Vụ việc có dấu hiệu hình sự

Trước hết, cần xác định căn cứ trong Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Gia Tuệ và các cá nhân (là nhà đầu tư) là chưa đầy đủ. Trong HĐHTĐT này chưa có một Quyết định phê duyệt đầu tư nào của cấp có thẩm quyền là UBND TP Hà Nội mà chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ để xin lập dự án đầu tư. Để xác định vụ việc này liên quan đến hình sự hay dân sự thì chúng ta phải làm rõ được dấu hiệu khi Công ty Gia Tuệ cung cấp tài liệu, hồ sơ cho nhà đầu tư như thế nào. Nếu lãnh đạo Công ty Gia Tuệ khẳng định dự án đã được phê duyệt thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo, lúc đấy phải xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu nhà đầu tư hiểu rõ về các vấn đề pháp luật theo các căn cứ trong Hợp đồng hợp tác đầu tư mà khi xảy ra rủi ro trong quá trình đầu tư thì  nhà đầu tư phải chịu.
Còn về việc giải quyết số vốn đã góp vào Công ty Gia Tuệ thì thế nào? Ở đây, Công ty Gia Tuệ là người nhận toàn bộ số tiền góp vốn của các nhà đầu tư nên phải có trách nhiệm giải trình với các bên góp vốn. Nếu cả hai bên đồng ý thanh lý hợp đồng vì Dự án không thể triển khai và đã có Biên bản thanh lý hợp đồng thì Công ty Gia Tuệ phải có trách nhiệm trả lại các khoản tiền đã góp vốn và tiền lãi phát sinh như trong Hợp đồng hợp tác đầu tư. Nếu lãnh đạo Công ty Gia Tuệ trốn tránh trách nhiệm không thanh toán, không trả lại vốn đầu tư và cắt điện liên lạc với các nhà đầu tư thì ở đây có dấu hiệu hình sự về tội tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.