Đỉnh điểm của làn sóng bán tháo vàng đã qua?

Theo Vietstock.vn

Doanh số bán các sản phẩm hoán đổi danh mục (ETP) vàng nhiều khả năng đã chạm đỉnh trong tháng 4 và là nguyên nhân khiến giá trị các tài sản ETP hàng hóa sụt giảm kỷ lục trong quý II/2013.

Đỉnh điểm của làn sóng bán tháo vàng đã qua?
Ảnh minh họa. Nguồn

Trong báo cáo công bố ngày 04/07, ETF Securities Ltd cho biết doanh số bán ETP vàng chiếm đến 97% tổng lượng rút ròng kỷ lục 19 tỷ USD khỏi các ETP hàng hóa trong quý II. Theo tổ chức này, giá trị các tài sản ETP hàng hóa đã giảm từ 186 tỷ USD tại thời điểm cuối tháng 3 xuống còn 127 tỷ USD, trong đó 2/3 đà sụt giảm này xuất phát từ sự lao dốc của giá vàng.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược đầu tư của ETF Securities, Nicholas Brooks, cho biết tổng lượng vốn rút ròng khỏi các ETP vàng giảm còn 3,9 tỷ USD trong tháng 6 so mức 6 tỷ USD trong tháng 5 và mức 8,7 tỷ USD trong tháng 4 – thời điểm kim loại quý rơi vào thị trường giá xuống. Được biết, giá vàng lao dốc 23% trong quý II, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1920 do nhà đầu tư mất niềm tin vào kho lưu giữ giá trị truyền thống này và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu cắt giảm chương trình kích thích.

Nicholas Brooks cho biết: “Có lẽ đỉnh điểm của làn sóng bán tháo vàng đã đi qua. Giá vàng cũng đã chiết khấu xong nhiều tin xấu. Hiện tâm lý đang cực kỳ bi quan. Khi mọi người cực kỳ bi quan, đó thường là dấu hiệu cho thấy thị trường sắp chạm đáy”.

Theo số liệu của Bloomberg, trong năm nay lượng vàng nắm giữ tại các ETP toàn cầu đã giảm 589,4 tấn còn 2.042,5 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010 và đang hướng đến năm sụt giảm đầu tiên kể từ khi sản phẩm này được ra mắt vào năm 2003. Hiện lượng đặt cược giá vàng sẽ giảm của các quỹ đầu cơ đang đứng ở mức cao thứ hai từ trước đến nay và trong tháng trước nhiều ngân hàng từ Goldman Sachs đến Credit Suisse đồng loạt hạ dự báo giá kim loại quý.

Trong khi đó, EPFR Global cho biết các công ty quản lý quỹ đã rút 2 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư vàng trong tuần kết thúc ngày 26/06. Tổng mức rút ròng khỏi các quỹ hàng hóa trong cùng kỳ là 2,68 tỷ USD.

Trong quý II, chỉ số Standard & Poor’s GSCI của 24 hàng hóa giảm 6,7%, mạnh nhất là vàng và bạc. ETF Securities cho biết các khoản đầu tư vào bạch kim là điểm sáng trong quý vừa qua với lượng thu hút ròng 712 triệu USD do mối lo ngại về nguồn cung tại quốc gia sản xuất bạch kim hàng đầu thế giới Nam Phi.