HD981 và tham vọng dầu biển sâu của Trung Quốc?

Theo vietnamnet.vn

(Tài chính) Đổ nhiều tiền và dường như không quan tâm về tính thương mại nên Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng và đưa ra Biển Đông một giàn khoan khổng lồ gây ra nhiều phản ứng.

HD981 và tham vọng dầu biển sâu của Trung Quốc?
Trung Quốc đưa ra Biển Đông một giàn khoan khổng lồ gây ra nhiều phản ứng. Nguồn: internet

Tỷ đô cho HD981

Cuối tuần qua, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương (HD-981) của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) - doanh nghiệp dầu khí sẽ khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29'58" vĩ Bắc - 111o12'06" kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8.

Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việc CNOOC đưa HD-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam kèm theo đó là hàng chục tàu các loại, từ quân sự, hộ vệ, tuần tiễu, hải giám, hải cảnh cho tới tàu cá và nhiều máy bay... đã khiến dư luận quốc tế thực sự lo ngại.

Hiện tại các bên đều theo dõi sát tình hình để có phản ứng thích hợp nhằm duy trì sự ổn định và giải quyết vấn đề "một cách hòa bình". Tuy nhiên, đằng sau vụ việc này, từ lâu, tất cả đều đã rất rõ về ý định không hề giấu giếm của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan khủng này ra biển Đông.

Không chỉ ồ ạt đồ tiền trong vụ đưa HD-981 đi "du lịch" trong sự "hộ vệ" của một lực lượng hùng hậu, CNOOC đã chi rất nhiều tiền cho các hoạt động liên quan trong nhiều năm qua.

Theo báo chí quốc tế, HD-981 được đầu tư 1 tỷ USD, có diện tích rộng bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn, nửa nổi nửa chìm, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137 m và nặng 31.000 tấn. Lượng thép để xây dựng nên giàn khoan này 4 lần số nguyên liệu dựng tháp Eiffel của Pháp. Nó chịu được được sóng cao 10 mét cùng sức gió 160km/h.

Trước đó, hồi năm 2012, để nuôi mộng sở hữu kỹ năng khoan thăm dò dầu ở vùng nước sâu trên biển, CNOOC đã thông qua thương vụ 15 tỉ USD nhằm mua lại hãng khai thác dầu Nexen của Canada.

Phân tích với báo chí quốc tế về vấn đề này, bà Bonnie Glaser - chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ, khi đó cho rằng, các tập đoàn quốc tế sở hữu độc quyền công nghệ khoan dò ở vùng nước sâu không mặn mà với gói thầu mà CNOOC đưa ra mời khi đó.

Chuyên gia Mikkal Herberg - Giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh năng lượng ở Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á (Mỹ) khi đó cũng cho rằng, đây chính là lý do khiến CNOOC tham vọng việc thâu tóm Nexen - một việc làm giúp họ có được công nghệ khoan nước sâu để chuyển hoạt động từ các vùng biển nước nông và sâu vừa, sang các vùng biển nước sâu. Từ đó cho phép Trung Quốc hiện thực hóa mong muốn làm chủ công nghệ để khoan ở bất kỳ vùng nước nào họ muốn.

Công nghệ tới đâu?

Theo đánh giá của ông Mikkal Herberg, thương vụ thâu tóm Nexen hứa hẹn mang lại cho CNOOC những kiến thức quản lý công nghệ và hoạt động phức tạp, nhằm thăm dò dầu khí nước sâu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, việc lắp đặt và duy trì các giàn khoan ổn định ở vùng nước sâu 1 - 3km và khoan thăm dò sâu từ 3 - 5,5km vào lớp trầm tích dưới đáy biển không dễ dàng.

Theo đó, vì không có kinh nghiệm nên CNOOC có thể mất thêm 5 - 10 năm mới làm chủ công nghệ khoan dầu khí nước sâu. Bên cạnh đó, để có thể nâng dần độ sâu khoan thăm dò dầu khí cũng cần thêm nhiều năm nữa.

Cho tới thời điểm này, chưa có một phân tích nào cho thấy, khả năng thực sự của CNOOC trong vấn để khoan thăm dò biển sâu là như thế nào. Chỉ có điều ai cũng biết là, trước khi đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, CNOOC đã có một thời gian dài để chuẩn bị không tiếc tiền.

CNOOC được biết đến là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí và là doanh nghiệp đứng thứ 15 trên thế giới với giá trị vốn hóa tính vào đầu năm 2013 đạt gần 100 tỷ USD. Trung Quốc còn có một đại diện là Petrochina đứng ở vị trí thứ 2 (sau Exxon) với giá trị vốn hóa khoảng hơn 260 tỷ USD. Có thể thấy, con số vài chục tỷ USD đầu tư mua doanh nghiệp, mua công nghệ không hề lớn so với tiềm lực của CNOOC.

Trên thực tế, tiền đổ ra nhiều nhưng không phải cái gì cũng có thể làm được ngay. Trước đó, trong năm 2012, CNOOC cũng đã từng công khai mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Các lô này nằm trên một khu vực rộng lớn và chồng lên khu vực mà PetroVietnam tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay.

Còn hồi năm 2005, doanh nghiệp này cũng đã tìm cách mua lại Tập đoàn dầu khí Unocal của Mỹ với giá hàng chục tỷ USD nhưng không thành. Chiến dịch "thâu tóm" các công ty dầu khí nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc khá rầm rộ trong vài năm gần đây và có lẽ không nằm ngoài chiến lược bánh trường năng lượng.

Trung Quốc hiện là nước đông dân nhất thế giới và đang phải nhập khẩu một nửa lượng dầu mỏ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Quốc gia này đã nhiều lần đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông (với cái được gọi là "đường lưỡi bò") bất chấp nhiều nước khẳng định chủ quyền tại đây.

Nhiều bước đi xem ra khá tốn kém và bất chấp "hiệu quả" kinh tế của Trung Quốc mới chỉ cho thấy một điều duy nhất là gây ra sự mất ổn định và lo ngại cho trong khu vực.