Tài chính vi mô: Gỡ nút thắt tạo sự liên thông nguồn vốn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Để giải quyết nút thắt về chính sách cần sớm có những cơ chế chính sách để sự gắn kết hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô có sự liên thông nguồn vốn cho các chương trình tài chính vi mô để vừa kiểm soát, vừa kích thích, vừa thúc đẩy các tổ chức tài chính vi mô phát triển.

Tài chính vi mô: Gỡ nút thắt tạo sự liên thông nguồn vốn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nơi nương tựa để thoát nghèo

Tại Tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam”, diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng: Gần ba thập kỷ qua, TCVM từng bước phát triển cả về quy mô, số lượng chương trình, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Hoạt động TCVM có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ vốn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn. Đó là những cá nhân, hộ gia đình nghèo, cận nghèo có thu nhập thấp, những DN siêu nhỏ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa nơi các dịch vụ tài chính ngân hàng chưa vươn tới được. Nhờ được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp, hoạt động của TCVM, tệ nạn cho vay nặng lãi ở những vùng thôn quê đã được hạn chế, đời sống các gia đình nghèo, hộ thu nhập thấp đã có bước cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, các DN siêu nhỏ được vay vốn sản xuất, khách hàng vay vốn được tiếp cận các kiến thức về kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội, hình thành món vay tiết kiệm từ những nguồn thu nhập nhỏ. Đảng và Nhà nước, hết sức quan tâm chú trọng, phát triển TCVM thông qua việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này phát triển.

Sự phát triển lớn mạnh của nhiều tổ chức TCVM thời gian qua khẳng định những hướng đi, chính sách của Chính phủ đạt hiệu quả. Theo ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh tra giám sát NH, NHNN), hoạt động TCVM ở Việt Nam hiện nay đang đạt hiệu quả nhất định và đóng góp nhiều vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của nhóm Công tác TCVM, Việt Nam hiện có 74 chương trình, dự án triển khai tại 23 tỉnh; thành phố, trong đó có 3 tổ chức TCVM chính thức được cấp phép là Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM), M7 và TCVM Thanh Hóa. Tính đến hết quý III/2014, theo kết quả giám sát và báo cáo của TYM và M7 (TCVM Thanh Hóa mới được NHNN chính thức cấp phép tháng 8/2014), tổng vốn chủ sở hữu đạt 238,9 tỷ đồng, tổng tiền gửi đạt 439,2 tỷ đồng, tổng dư nợ 787,6 tỷ đồng. Đặc biệt tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,01%.

Những con số trên đã thể hiện sự lớn mạnh, sự phát triển của tổ chức TCVM cả về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ...

Xây dựng chính sách để thu hút vốn của xã hội

Để đảm bảo cho các Tổ chức TCVM hoạt động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2005/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam, Nghị định số 165/2007/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 28. Bên cạnh đó, hàng loạt các văn bản của NHNN quy định về cấp phép, về tổ chức, hoạt động, về an toàn, phân loại nợ...

Ông Phạm Huyền Anh cho rằng, ngoài sự quyết tâm của các tổ chức TCVM thì những chính sách kịp thời về khung pháp lý đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố và các tổ chức liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định để hỗ trợ tổ chức TCVM phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế một số quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn. Tại Hội thảo, nhiều vướng mắc của các tổ chức TCVM được đặt ra, trong đó quan trọng nhất vẫn là vấn đề tìm “nút thắt” và những giải pháp tháo gỡ để tổ chức TCVM phát triển.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, thành viên Nhóm Nghiên cứu – Dự án Nghiên cứu TCVM 2014, hiện các Tổ chức TCVM ở Việt Nam còn vướng nhiều vấn đề trong hoạt động tổ chức. Mặc dù khung pháp lý và các quy định liên quan đang ngày được hoàn thiện, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chính bởi vậy, bản thân những người làm chính sách cũng phải tìm nút thắt để có biện pháp tháo gỡ như xây dựng các quy định chính sách cụ thể đối với các tổ chức được cấp phép trong các vấn đề về thuế, hoạt động bảo hiểm, hoạt động bán buôn TCVM...

Theo ông Phạm Huyền Anh, “nút thắt” lớn hiện nay đối với các tổ chức TCVM là cơ chế và vốn. Về cơ chế, hiện chưa có quy định đồng bộ về hoạt động và quản lý, giám sát hoạt động của các loại hình tổ chức hoạt động TCVM; chưa có một tổ chức đầu mối quản lý thống nhất. Bên cạnh đó, chính sách tài chính, chính sách thuế cho các tổ chức này chưa hợp lý...

Bởi vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động của các tổ chức TCVM phù hợp với thực tiễn. Đối với vấn đề về vốn, hoạt động của TCVM tại Việt Nam là giúp đỡ người nghèo, không vì mục tiêu lợi nhuận nên cần có chính sách khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tăng vốn, góp vốn để tăng cường vốn phục vụ cho công cuộc này. Chính vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phi lợi nhuận nên TCVM cần sự hỗ trợ của Chính phủ và toàn xã hội. Nhưng nếu đặt vấn để góp vốn, đầu tư vốn vào đây để thu lợi nhuận mang tính chất thương mại chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thấp, không như mong muốn của mục tiêu chương trình đề ra của tổ chức TCVM.

Để giải quyết nút thắt về chính sách cần sớm có những cơ chế chính sách để sự gắn kết hoạt động của các TCTD, hoạt động ngân hàng với hoạt động của tổ chức TCVM có sự liên thông nguồn vốn cho các chương trình TCVM để vừa kiểm soát, vừa kích thích, vừa thúc đẩy các tổ chức TCVM phát triển.