Tái cơ cấu đầu tư công trong đổi mới mô hình tăng trưởng
(Tài chính) Vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp Tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Tại Hội thảo, TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Tái cơ cấu đầu tư công trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu như cắt giảm công trình không cần thiết, DNNN thoái vốn, vốn đầu tư mới được bố trí tập trung, không dàn trải như trước... song chưa đạt được sự chuyển biến về chất, chưa thay đổi được cơ cấu đầu tư xã hội, cần thay thế bằng cách đưa đầu tư tư nhân lên làm chủ đạo.
Còn GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái đánh giá: Tái cơ cấu đầu tư công là tình thế buộc phải thế, do ngân sách ngày càng khó khăn, nguồn lực bị hạn chế nên phải “liệu cơm gắp mắm”. Đặc biệt, mỗi địa phương có một nhu cầu riêng, việc thu hẹp đầu tư công cũng không đơn giản nếu không quyết liệt.
Phân tích về mối liên hệ giữa đầu tư công và nợ công, TS. Lê Hải Mơ cho rằng: Để giải quyết vấn đề nợ công và đầu tư công phải quay lại cái gốc của vấn đề là nhận thức lại cho thật đúng vai trò kinh tế Nhà nước, DNNN...; xác định lại căn bản phạm vi, lĩnh vực cần có mặt của kinh tế Nhà nước và đầu tư công. Chìa khóa giải quyết 2 vấn đề này là tái cơ cấu cơ bản cơ cấu, quy mô chi NSNN, hệ thống quỹ ngoài ngân sách.
Ông Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam, khuyến nghị cần giảm quy mô của đầu tư công dù giảm không có nghĩa hiệu quả của đầu tư công tự động tăng, nhưng làm chi phí đầu tư vào các dự án không cần thiết lớn hơn. Thay đổi tỷ trọng của đầu tư công vào từng lĩnh vực: Cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ công chất lượng; tăng đầu tư vào giáo dục - đào tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ… Cần có lộ trình tái cơ cấu đầu tư công và công cụ để giám sát tiến trình, tăng cường vai trò của người dân, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong việc giám sát hoạt động đầu tư công, tăng cường sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng hay đối tượng chịu ảnh hưởng đến quá trình quyết định, thực hiện các dự án đầu tư công.
Vấn đề tái cơ cấu cũng được Quốc hội hết sức quan tâm tại các phiên thảo luận của Quốc hội kỳ này. Định hướng trong năm 2015, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng về đầu tư công, Chính phủ sẽ tích cực triển khai Luật Đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, đa dạng hóa hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP,…), tăng tính thương mại của dự án để huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, logistics, nhất là các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế quốc gia, vùng; tăng cường phân cấp, xã hội hóa việc khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng; phát triển mạnh thị trường vốn trong nước và chủ động tham gia thị trường tài chính quốc tế để huy động các nguồn lực từ trong nước và nước ngoài cho phát triển.