Vấn đề tái cơ cấu DNNN hiện nay không chỉ đơn thuần là sắp xếp, tổ chức lại như vẫn thường làm mà đòi hỏi sự đổi mới có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát hiện các nguyên nhân làm gia tăng hoặc giảm giá trị, phát huy các tiềm năng, khắc phục các tồn tại, bất cập của DNNN. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, hình thành các DNNN vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Một số kết quả đạt được
Kể từ khi nền kinh tế nước ta mở cửa hội nhập đến thời điểm này hệ thống DNNN cơ bản được sắp xếp lại, cơ cấu được điều chỉnh hợp lý hơn. Tính đến hết năm 2011, cả nước đã sắp xếp được 5.374 DN. Đến nay, toàn quốc còn 1.060 DNNN 100% vốn nhà nước, trong đó có 452 DN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công ích, 608 DN hoạt động kinh doanh. DNNN đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng; từ chỗ dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực…
Trong tổng số doanh nghiệp được sắp xếp, đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được 3.976 DN (chiếm 74% tổng số DN được sắp xếp), trong đó có 01 tổng công ty 91, 12 tổng công ty 90, 04 ngân hàng thương mại quốc doanh. Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 1.217 DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Sự ra đời và phát triển của các công ty cổ phần đã góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán và làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế. Kết quả tích cực của cổ phần hóa đã củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, tạo ra bước đổi mới trong nhận thức, tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có cơ cấu đa sở hữu, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, được đổi mới về tổ chức và hoạt động. Hoạt động của các tập đoàn kinh tế này đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành để hình thành những DNNN lớn trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, qua đó góp phần bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước…
Những tồn tại đặt ra
Tuy đạt được kết quả nêu trên, nhưng trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN cũng còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể là:
- DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.
- Tiến trình cổ phần hóa còn chậm. Nhiều công ty cổ phần chưa thực sự đổi mới quản trị công ty.
- Mô hình tổ chức quản lý tổng công ty nhà nước còn nhiều hạn chế; mô hình tổ chức quản lý tập đoàn lại chưa có nhiều khác biệt so với tổng công ty. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Hoạt động quản lý nội bộ còn nhiều bất cập, yếu kém. Hoạt động kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, thậm chí còn tồn tại không ít lỗ hổng.
- Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của nhiều DNNN còn thấp. Một số DN tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao, làm giảm hệ số an toàn tài chính. Có tập đoàn kinh tế, tổng công ty không bảo toàn và phát triển được nguồn vốn Nhà nước giao.
- Hiệu quả hoạt động của một số DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Trình độ công nghệ, năng suất lao động của khá nhiều DN còn thấp, sức cạnh tranh yếu, chưa thực hiện được nhiệm vụ là đầu tàu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Một số DN còn chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích.
- Việc phân công, phân cấp và tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn chưa rõ ràng, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều bất cập, hiệu lực thấp; Chưa có cơ chế, chế tài và công cụ kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả trong khi trao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN.
- Việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn, tài sản nhà nước, mở rộng ngành nghề kinh doanh, sử dụng vốn đầu tư tại DN còn hạn chế. Một số DN vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Định hướng giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian tới
Tái cơ cấu quyết liệt, toàn diện
Thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tuân thủ nguyên tắc thị trường khi thoái vốn nhà nước tại các ngành không phải ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối; Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm.
Kết thúc thí điểm hình thành các tập đoàn kinh tế, qua đó những tập đoàn kinh tế tổ chức hoạt động không khác tổng công ty nhà nước, thành lập mang tính cơ học, không phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra sẽ tổ chức lại thành tổng công ty nhà nước.
Tập trung phát triển để đến năm 2020 có một số DN đạt tầm khu vực, bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như: Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp Than khoáng sản, Viễn thông, Lương thực, Cao su, Hóa chất, Hàng không, Xăng dầu, Ngân hàng...; Rà soát, đánh giá để bố trí đúng cán bộ chủ chốt của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN
- Đến năm 2015, thực hiện cổ phần hóa DNNN theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2020, hoàn thành cổ phần hóa DNNN theo phân loại nêu trên. Áp dụng hình thức thuê đất theo quy định đối với DNNN khi cổ phần hóa. DN trả tiền thuê đất hàng năm theo giá thị trường, giá thuê đất không tính vào giá trị DN. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch, quy định của pháp luật về đất đai; Giá trị DN khi cổ phần hóa phải được xác định thực sự theo nguyên tắc thị trường.
- Phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng kết việc xử lý nợ của DNNN, khắc phục nợ dây dưa, chiếm dụng vốn. Đánh giá và có biện pháp phát huy công cụ mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của DN. Khuyến khích các tổ chức kinh tế mua, bán nợ của DNNN. Các DN cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý DNNN
- Hoàn thiện khung pháp lý để DNNN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý công khai minh bạch và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. DN kinh doanh được Nhà nước giao làm nhiệm vụ công ích hoặc bình ổn giá, thì Nhà nước có cơ chế, chính sách để DN hạch toán kinh doanh và thực hiện tốt nhiệm vụ này.
- Đổi mới quản trị để DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Có cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị... của DN.
- Xác định cụ thể và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc DN trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước để bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản.
Hoàn thiện cơ chế quản lý của chủ sở hữu
- Tiếp tục phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, các bộ tổng hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hội đồng thành viên, chủ tịch tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN.
- Ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
- Tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng về kinh tế nhà nước và quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, tạo sự nhất trí cao trong Đảng và cả hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ để triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Để việc tái cơ cấu thành công, cần có cái nhìn khách quan về những đóng góp cũng như các tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước, từ đó đưa ra cách làm mới, có lộ trình, chỉ đạo quyết liệt và hành động thực chất nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Xem thêm